Bài cuối:Tìm hướng đi cho trung tâm ngoài công lập
Trước những khó khăn của các trung tâm, mái ấm nuôi dạy trẻ em, rất cần có phương án lâu dài, cụ thể, bền vững để bảo đảm quyền lợi cho trẻ, nhất là với những trẻ vốn có cuộc sống kém may mắn.
Các Trung tâm bảo trợ trẻ em cần tự tạo nguồn thu bằng sản phẩm dạy nghề thay vì hoàn toàn trông chờ vào tiền từ thiện. |
Khẩn trương rà soát
Thời gian qua, tại Đà Nẵng, công tác vận động nguồn tài trợ phi chính phủ đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, thành phố đã thu hút được nhiều dự án viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, góp phần vào công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, giảm gánh nặng ngân sách của địa phương.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng có quá nhiều trung tâm bảo trợ trẻ em. Hội nào cũng có vài ba cơ sở và mạnh ai nấy kêu gọi dự án từ các nhà tài trợ. Ai kêu gọi được nhà tài trợ thì sống, không được nữa thì… sống mòn.
Cũng bởi phần lớn các trung tâm bảo trợ xã hội ngoài công lập đều dựa hoàn toàn vào nguồn tiền hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ nên khi các tổ chức này cắt giảm hoặc từ chối, ngừng viện trợ thì lập tức các trung tâm “điêu đứng” theo.
Hiện nay, tại Đà Nẵng, ngoài 10 cơ sở ngoài công lập đảm nhận việc nuôi trẻ thì thành phố còn có 1 trung tâm bảo trợ xã hội công lập là Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. Trung tâm này đang nuôi dưỡng khoảng hơn 60 đối tượng, trong đó có 21 trẻ em mồ côi, khuyết tật.
Bà Hệ Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm này cho biết, mỗi năm thành phố cấp khoảng 2,7 tỷ đồng để trang trải các hoạt động tại Trung tâm, từ việc hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng đến trả lương cho nhân viên…
Tiền ăn dành cho các đối tượng trung bình khoảng 1 triệu đồng/trẻ/tháng. Tuy nhiên, hiện nay, dù đã có nguồn từ ngân sách thành phố hỗ trợ phần lớn nhưng chủ yếu cũng để chi cho những nhu cầu thiết yếu, Trung tâm phải huy động thêm những nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm khác nhằm cải thiện đời sống cho các đối tượng.
Nói vậy để thấy kinh phí nuôi một cơ sở bảo trợ không hề nhỏ và nếu không giỏi vận động nguồn tài trợ sẽ khó duy trì hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành phố Đà Nẵng, Nhà nước phải tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội phát triển, tất nhiên đó phải là các tổ chức xã hội có mục đích rõ ràng và có nguồn kinh phí ổn định và quan trọng nhất là phải xuất phát từ nhu cầu xã hội thật sự. “Nhà nước phải kiểm tra kiểm soát, tránh tình trạng mở tràn lan; đồng thời, nên tổng rà soát lại xem đơn vị nào có thể “sống khỏe”, đơn vị nào đang gặp khó để có định hướng phù hợp”, ông Long nói.
Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, hiện nay đã có sự rút dần việc hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cho Đà Nẵng. “Dự báo tình hình các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ Việt Nam sẽ giảm dần vì Việt Nam đã từ nước nghèo vươn lên nước có thu nhập trung bình. Nhưng không phải bây giờ mới dự báo mà đã dự báo nhiều năm nay rồi. Quan điểm của Đà Nẵng là hạn chế các dự án nuôi dưỡng tập trung, chỉ có dự án nào lâu dài và rất cần thiết mới cho mở”, ông Hiệp nói.
Cần những giải pháp bền vững
Trước tình trạng các cơ sở bảo trợ trẻ em mở tràn lan và chưa hiệu quả, các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng cần có những giải pháp cụ thể để chấn chỉnh tình trạng này. Những năm gần đây, mô hình “Chăm sóc thay thế” được thực hiện tại nhiều địa phương trong cả nước theo định hướng Quyết định 647 và Nghị định 136 của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là hình thức chăm sóc tạm thời khi cha mẹ, người nuôi dưỡng, bảo hộ của trẻ không có khả năng hoặc không muốn chăm sóc trẻ. Đối tượng được chọn để chăm sóc thay thế cho trẻ em thường là họ hàng hoặc các gia đình không có quan hệ ruột thịt nhưng có tình yêu thương trẻ em.
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội, thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng cũng đang triển khai mô hình “Chăm sóc thay thế” dành cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Trong năm 2013-2014, Trung tâm này đã kết nối cho 3 trẻ được chăm sóc thay thế tại các gia đình. “Việc hỗ trợ các gia đình vượt qua khủng hoảng và tạo cơ hội để trẻ em được chăm sóc nuôi dưỡng trong môi trường gia đình bằng hình thức chăm sóc thay thế.
Đây là mô hình vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nhân đạo, vừa bảo đảm thực hiện quyền của trẻ em, cần được nhân rộng và huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng”, bà Hoa nói.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một trong những giải pháp có thể lựa chọn. Ông Nguyễn Hùng Hiệp cho rằng: “Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chứ không thể hỗ trợ hết được, cần huy động nhiều nguồn lực. Các cơ sở bảo trợ ngoài công lập phải tự lo ngay cả khi ngừng hoạt động và ngay cả nhà tài trợ cũng phải có trách nhiệm nếu dự án dừng”.
Trong trường hợp nếu không đủ nguồn lực nuôi trẻ tập trung tại các mái ấm, theo ông Hiệp, nên chuyển các em về gia đình, cộng đồng và hỗ trợ dưới dạng tài trợ học bổng, hỗ trợ về kinh tế… Một số trẻ khác có thể chuyển về Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố nếu là trẻ bị bố mẹ bỏ rơi ngay từ khi lọt lòng do sinh non, thiểu năng, bị dị tật bẩm sinh hay hoàn cảnh khó khăn bố mẹ không thể nuôi dưỡng…
Theo ông Lê Tấn Hồng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề trẻ khuyết tật của Hội Chữ thập đỏ, mỗi Trung tâm cần chủ động tạo nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh, bổ trợ cho nguồn tài trợ, để có thể tự trang trải khi nhà tài trợ cắt giảm nguồn kinh phí.
Thực tế, tại Trung tâm Dạy nghề trẻ khuyết tật của Hội Chữ thập đỏ, việc nuôi trẻ và dạy nghề được thực hiện song song. Hoạt động làm nghề như làm nhang, in thiệp, thêu cũng đem lại cho Trung tâm nguồn kinh phí nhất định.
Ông Hồng cũng chia sẻ, việc vận động tài trợ đang ngày càng khó khăn. Năm 2010 trở về trước, mỗi năm trung tâm kêu gọi được 2-3 dự án, nhưng gần đây mỗi năm chỉ 1 dự án. Nguồn tiền dự trữ của Trung tâm có nguy cơ cạn kiệt khoảng sau 3 năm nữa.
“Tôi nghĩ cùng với tranh thủ các nguồn lực bên ngoài thì mỗi tổ chức, trung tâm từ thiện cần phải tự tạo nguồn lực, nguồn thu cho chính mình. Người ta cho vài năm chứ đâu thể cho mãi mãi. Bây giờ họ cho, nhưng sau này họ khó khăn họ không tài trợ nữa thì mình lấy gì hoạt động.
Bởi vậy, tôi nghĩ phải tự thân vận động bằng phương thức dạy nghề tạo ra sản phẩm, mà sản phẩm đó phải bán được trên thị trường để tạo nguồn thu. Quan trọng nhất là tạo cho các em một cái nghề để nếu trung tâm có giải tán, các em có thể về với gia đình và vẫn sống được bằng nghề đã học”, ông Hồng nói.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - THU HOA