.
CÁC TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ EM TẠI ĐÀ NẴNG

Rà soát, tổ chức lại hoạt động

.

Ngay sau khi Báo Đà Nẵng đăng loạt bài “Các trung tâm bảo trợ trẻ em: Mạnh ai nấy làm!”, chiều 8-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng có buổi làm việc với lãnh đạo tất cả các trung tâm, mái ấm nuôi dạy trẻ bất hạnh trên địa bàn thành phố nhằm tìm hướng tháo gỡ những bất cập và nhất là định hướng cho các mô hình này thực sự giữ đúng ý nghĩa nhân đạo.

Trẻ ở các mái ấm cần được sống trong tình yêu thương của các cô, các bảo mẫu để bù đắp sự thiếu vắng hơi ấm gia đình. 						 Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Trẻ ở các mái ấm cần được sống trong tình yêu thương của các cô, các bảo mẫu để bù đắp sự thiếu vắng hơi ấm gia đình. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng khẳng định nhờ các trung tâm nhân đạo từ thiện, các mái ấm mà nhiều trẻ em không phải lang thang, không trở thành tội phạm. Việc chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ mồ côi, trẻ thiếu sự bảo bọc của gia đình là công việc vô cùng vất vả.

Điều này càng cho thấy sự dang tay che chở của các bảo mẫu, các trung tâm, mái ấm thực sự đáng trân trọng. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng đánh giá một cách khách quan, hoạt động của các trung tâm bảo trợ trẻ em còn nhiều điều chưa được như mong muốn.

Thứ nhất là sự bị động trong quản lý khi hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà tài trợ. Điều này dẫn đến tình trạng nhà tài trợ “hắt hơi, sổ mũi” thì mái ấm “ốm” theo. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà tài trợ giảm viện trợ thì kinh phí nuôi dạy trẻ theo đó bị cắt giảm, một số mái ấm xuống cấp về cơ sở vật chất nhưng không có kinh phí sửa chữa.

Ông Dũng cũng cho rằng “có vẻ tại Đà Nẵng có quá nhiều trung tâm hoạt động na ná nhau”. Trung tâm nhiều, nhà tài trợ lại ít, thành ra chỗ nào cũng kêu thiếu kinh phí. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 11 trung tâm nuôi dưỡng tập trung đối tượng trẻ bất hạnh.

Ngoài Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố là cơ sở công lập duy nhất, tất cả 10 trung tâm còn lại đều ngoài công lập, hoạt động tự thu, tự chi, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Song, Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng phê bình công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở này còn đứng ngoài cuộc. “Mỗi năm chỉ đi kiểm tra… rồi thôi là không được. Hơn nữa, quá nhiều ngành quản lý nên không có ngành nào quản đến nơi đến chốn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Một vấn đề khác lãnh đạo thành phố rất trăn trở đó là chất lượng chuyên môn của giáo viên, bảo mẫu trong các mái ấm. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, 11 trung tâm hiện có 214 cán bộ và người lao động, trong đó có 72 bảo mẫu.

Điều đáng nói, các bảo mẫu làm việc không ổn định, trình độ chuyên môn chưa bảo đảm. Ông Dũng cho rằng, lực lượng giảng dạy trong các cơ sở này chủ yếu theo kinh nghiệm chứ chưa có chứng chỉ nghiệp vụ và kiến thức chưa chuẩn. Bên cạnh đó, việc sinh hoạt ngoại khóa, vui chơi lành mạnh, hoạt động thể thao của trẻ chưa được chú trọng nên khó thể giúp trẻ hình thành nhân cách toàn diện.

Khi đại diện lãnh đạo làng SOS Đà Nẵng cho biết đơn vị vẫn đang thiếu trẻ và huy động thêm trẻ vào, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng tỏ thái độ không bằng lòng. “Mức tiền ăn hằng tháng của các em quá thấp, chỉ khoảng 500.000 đồng/em/tháng, chưa đảm bảo mức sống tối thiểu. Đã vậy mà cứ đưa vào trong khi mức hỗ trợ thấp như vậy là không được”, ông Dũng nói.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành. Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng phải rà soát lại từng đơn vị để nắm tình hình hoạt động và sẽ có đề xuất riêng đối với từng trung tâm là giải thể hay sáp nhập...

Đồng thời, phải tổ chức đánh giá lại trình độ, tay nghề của các bảo mẫu và đào tạo cho họ một cách bài bản. Sở Giáo dục và Đào tạo phải có một chương trình giáo dục chung tổng thể cho các em ngoài chương trình học ở trường, bởi đối với các em sống tập thể thì hoạt động ngoại khóa rất quan trọng.

Sở Ngoại vụ làm việc với các nhà tài trợ có tiềm năng để bổ sung thêm nguồn tài trợ cho các đơn vị khó khăn. Làng SOS Đà Nẵng phải có buổi làm việc riêng với SOS Việt Nam để nâng mức hỗ trợ cho các cháu bởi mức hiện giờ là thấp so với mặt bằng chung.

Các đơn vị nên thường xuyên khám sức khỏe cho các cháu, có thể kêu gọi các bác sĩ tình nguyện tại các bệnh viện. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh nên thành lập một quỹ chung để có thể điều tiết nguồn kinh phí hỗ trợ cho các trung tâm. Tất cả các công việc trên đều phải hoàn tất trong tháng 3 và báo cáo kết quả cho lãnh đạo thành phố.

Phương Trà – Thu Hoa

;
.
.
.
.
.