.

Cần lắm những vòng tay

.

Đối với 70 đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (huyện Hòa Vang) đã trở thành mái nhà ấm áp, tràn đầy tiếng cười. Tại đây, các em cùng nhau học nghề, trồng rau, trồng hoa, cùng ươm lên ước mơ nho nhỏ, giản dị của riêng mình.

Bữa ăn của trẻ em da cam tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (huyện Hòa Vang).
Bữa ăn của trẻ em da cam tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (huyện Hòa Vang).

Lóng ngóng phải đến lần thứ 3 thì Bình (20 tuổi) bị thiểu năng trí tuệ mới tưới xong một khóm hoa được trồng tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Trung tâm). Diễm (16 tuổi) cũng bị thiểu năng trí tuệ đứng bên cạnh Bình cười ngặt nghẽo... Bình và Diễm đều thích hoa nên được các cô phân công nhiệm vụ tưới hoa trong vườn.

Các cán bộ nơi đây cho biết, khi mới vào Trung tâm, các em rất rụt rè, sợ hãi và không biết làm việc gì. Dần dần, quen thầy, quen bạn, mỗi em đã tự làm được những việc nhỏ cho chính bản thân và giúp các cô tưới cây, cho heo ăn...

Buổi trưa, các em quây quần bên nhau thưởng thức những món ăn đơn sơ do chính các cô nấu. Buổi chiều, các em được học chữ, học kết cườm, làm nhang, thêu hoa... tùy theo năng lực và sở thích của từng em. Từ những đứa trẻ tự kỷ, ít nói, dễ lên cơn động kinh, những đứa trẻ da cam bây giờ đã có thể hòa nhập với bạn bè. Không chỉ được nuôi dưỡng, tập luyện, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, các em còn được vui chơi, mà quan trọng hơn là được làm những điều mình thích.

Trung tâm này được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2011, với diện tích gần 11.000m2. Hằng ngày, 15 cán bộ, nhân viên tại đây phải quán xuyến công việc và chăm sóc cho 70 trẻ là nạn nhân da cam, có hoàn cảnh bất hạnh, trong đó có 10 em bị bại liệt; đồng thời tổ chức dạy học, dạy nghề, dạy kỹ năng sống và hướng nghiệp cho các em.

Không chỉ vậy, các chị còn kiêm luôn việc trồng rau, nuôi heo, gà để cải thiện bữa ăn cho các em. Dẫu vậy, nơi đây vẫn còn bộn bề những khó khăn. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vang, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, hiện nay, các nguyên liệu để các em sản xuất nhang, hoa voan... đều do các nhà hảo tâm ủng hộ nên lúc có lúc không. “Trang thiết bị, cơ sở vật chất tại đây còn thiếu thốn. Riêng việc chống nóng cho các em về mùa hè cũng tốn một khoản chi phí không nhỏ”, bà Vang cho biết.

Ngoài Trung tâm ở Hòa Vang, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng (gọi tắt là Hội) còn có 2 cơ sở tại quận Thanh Khê và Hải Châu nhằm nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học, dạy nghề, phục hồi chức năng cho khoảng hơn 150 nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, đối với một số cháu tiến bộ, Hội tiếp tục sàng lọc và áp dụng các hình thức đào tạo nghề phù hợp, với một số nghề đơn giản như làm hoa voan, hoa đất, kết cườm, làm nhang, học may, học vi tính..., từng bước giúp các cháu cảm thấy tự tin hơn, hòa nhập cộng đồng.

Mỗi ngày, những chuyến xe lại đưa các trẻ em là nạn nhân chất độc da cam đến các trung tâm để chăm sóc, dạy nghề. Hầu hết các em đều bị thiểu năng trí tuệ, câm điếc hay khuyết tật cả tay, chân và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dẫu vậy, con số này vẫn thật ít ỏi so với hàng ngàn nạn nhân đang phải chống chọi với nỗi đau mang tên da cam. Theo thống kê chưa đầy đủ, Đà Nẵng có 5.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó hơn 1.400 trẻ em. Cuộc sống của phần lớn gia đình các nạn nhân đều khó khăn, sống ở vùng nông thôn.

Dù được đánh giá là mô hình hoạt động hiệu quả, góp phần xoa dịu phần nào nỗi đau cho các nạn nhân da cam... nhưng bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội tự nhận là những gì mình làm được là chưa nhiều. “Hiện nay, tất cả kinh phí hoạt động đều từ nguồn tiền vận động được nên chúng tôi chưa thể giúp đỡ hết các nạn nhân da cam. Cần hơn nữa những tấm lòng hảo tâm cùng chung sức để phần nào xoa dịu nỗi đau này”, bà Hiền nói.

Bà Hiền cũng cho biết, thời gian đến, Hội sẽ mở rộng quy mô chăm sóc, nuôi dưỡng các nạn nhân chất độc da cam, dẫu biết trước mắt là cả một chặng đường dài với nhiều khó khăn và rất cần những vòng tay cộng đồng dang rộng, sẻ chia...    

Tối 28-3, tại Nhà hát Trưng Vương, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng phối hợp tổ chức chương trình văn nghệ, giao lưu với chủ đề “Mùa xuân cho em” lần thứ 4. Chương trình bao gồm các tiết mục văn nghệ do các em là nạn nhân chất độc da cam thể hiện và những tiết mục giao lưu, chia sẻ của các nhà hảo tâm. Hoạt động này nhằm gây quỹ ủng hộ các nạn nhân da cam tại Đà Nẵng.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.