Đại biểu Quốc hội là thành viên Ủy ban Tư pháp không chỉ đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực mà còn phải có bản lĩnh, dám va chạm chứ không phải vào rồi phát biểu cho “cả làng cùng vui”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Ủy ban Tư pháp tổ chức tại Đà Nẵng ngày 3-3.
Từ kinh nghiệm hoạt động của Ủy ban Tư pháp khóa XIII, bà Nga đề nghị cần tăng cường đại biểu chuyên trách làm thành viên của Ủy ban Tư pháp, đảm bảo hơn nữa các điều kiện làm việc của đại biểu chuyên trách để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận các giải pháp khắc phục hạn chế về sự vắng mặt của nhiều thành viên, có phiên họp vắng đến 1/3 tổng số thành viên, làm ảnh hưởng đến việc thảo luận, nhất là đảm bảo nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số.
Trong khi đó, công tác phối hợp giữa Ủy ban Tư pháp với các cơ quan hữu quan về xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa thường xuyên. Công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị, kết luận sau giám sát chưa được tiến hành sát sao. Việc phát hiện các văn bản có quy định không phù hợp, còn chồng chéo, mâu thuẫn... chưa được nhiều.
Theo đánh giá, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ chính trị thuộc lĩnh vực Ủy ban Tư pháp phụ trách, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, tính đúng đắn và tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan. Bằng các hoạt động thực tiễn, Ủy ban Tư pháp đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của mình trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy Nhà nước.
S.TRUNG