Năm 2015, huyện Hòa Vang được công nhận huyện hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của địa phương, còn có sự đóng góp rất lớn của toàn thành phố và Trung ương; trong đó Ban Dân vận Thành ủy đóng vai trò quan trọng, tạo cầu nối vận động, ủng hộ của các tổ chức, đơn vị và địa phương chung tay hướng về mảnh đất Hòa Vang anh hùng.
Bộ mặt nông thôn mới huyện Hòa Vang ngày càng khởi sắc nhờ sự chung tay đóng góp của toàn thành phố. Trong ảnh: Mô hình sản xuất rau an toàn khép kín tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Ảnh: Việt Dũng |
Huyện Hòa Vang là cái nôi cách mạng, là căn cứ địa, chịu nhiều hy sinh mất mát và đã có 10/11 xã của huyện được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì vậy, việc Ban Dân vận Thành ủy được giao nhiệm vụ làm cầu nối vận động, ủng hộ xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, chung tay cả về tinh thần và vật chất dồn sức giúp Hòa Vang sớm về đích xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy giao Ban Dân vận chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, cấp ủy Đảng có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; chính quyền đóng vai trò điều hành, tổ chức thực hiện; người dân đóng vai trò chủ thể cùng với các tổ chức chính trị-xã hội tham mưu xây dựng nông thôn mới trên quê hương Hòa Vang.
Để tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong việc xây dựng nông thôn mới, Ban Dân vận đã tham mưu Thành ủy chủ trì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đồng thời, phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố và Huyện ủy Hòa Vang tổ chức các hội nghị ký kết giao ước thi đua hỗ trợ nhằm phát động, kêu gọi và ghi nhận “Bảng vàng ghi công” những tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Những hoạt động này khơi dậy, phát huy tiềm năng, tạo ra động lực mới trong công tác dân vận của Đảng. Cùng với Ban Dân vận Thành ủy, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội và các hội quần chúng đã tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới Hòa Vang.
Các cấp Mặt trận thành phố tổ chức vận động các tầng lớp xã hội, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân hưởng ứng và ủng hộ phong trào bằng nhiều nội dung, hình thức tạo nguồn đầu tư mới thực hiện 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và 11 nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2012 đến 2015, Ban Dân vận Thành ủy đã làm cầu nối vận động hơn 127 lượt tập thể, cá nhân ủng hộ với tổng kinh phí 118,7 tỷ đồng, bình quân khoảng 30 tỷ đồng/năm và 10 tỷ đồng/xã; góp phần quan trọng để 10/11 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua phong trào thi đua “dân vận khéo”, làm cầu nối, vận động, hỗ trợ cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân Hòa Vang. Số liệu đóng góp là trân trọng, đáng quý nhưng giá trị về tinh thần, ý nghĩa chính trị là rất to lớn, không thể cân, đong, đo, đếm được.
Hiệu quả công tác “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới ở Đà Nẵng là đã vận dụng nhuần nhuyễn lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” và thực hiện quan điểm đổi mới của Đảng đã nêu trong Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Đảng lãnh đạo; chính quyền tổ chức thực hiện; Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”; tạo sinh khí mới, động lực mới, tác động mới, tạo diện mạo mới cho nông thôn. Nhờ vậy, năm 2015, huyện Hòa Vang đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới.
Phan Viết Thông, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy