.

"Cha" của trẻ khuyết tật

.

Đưa những đứa trẻ tật nguyền về Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện, ông đã mang đến cho các em niềm tin, giúp các em làm nghề và sống có ích. Ông là Lê Tấn Hồng, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng ở quận Ngũ Hành Sơn (gọi tắt là Trung tâm).

Ông Lê Tấn Hồng (áo trắng) và các em khuyết tật tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện.
Ông Lê Tấn Hồng (áo trắng) và các em khuyết tật tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện.

Cách đây 10 năm, ông Hồng nhận nhiệm vụ mới tại Trung tâm khi đơn vị này đang trong giai đoạn “hấp hối” bởi không có kinh phí hoạt động, các nguồn tài trợ đã chấm dứt. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Hồng quyết định phải tìm cho các em cái nghề để tự tạo việc làm kiếm tiền nuôi sống bản thân, chứ không thể chỉ dựa vào nguồn tài trợ từ các dự án.

Ấy vậy mà khi Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng giao cho Trung tâm dự án dạy nghề theo quy định trong vòng 6 tháng với khoản kinh phí không hề nhỏ trong thời điểm đó, ông Hồng đã làm nhiều người ngạc nhiên khi một mực chối từ. Lý do mà ông đưa ra rất đơn giản: “Đây không phải là trẻ bình thường mà là trẻ khuyết tật. Với trẻ khuyết tật, việc dạy nghề phải khó khăn hơn theo kiểu cầm tay chỉ việc cho đến khi nào các em thạo nghề mới thôi chứ 6 tháng thì chưa đủ”.

Nói thì nói vậy nhưng ông Hồng lo lắm. Làm sao để các em tiếp thu nghề? Làm sao để tiêu thụ được những sản phẩm do các em làm ra? Tiền đâu để nuôi các em học nghề, trả lương giáo viên?... Nhiều câu hỏi đặt ra đối với ông Hồng và cả Trung tâm khi ấy.

Và rồi ông bắt đầu đi... xin. Có nhà tài trợ đến Trung tâm cho tiền nhưng ông không nhận. Ông bảo: “Tui không xin tiền mà xin gạo, xì dầu, nước mắm... để các em có thể học nghề. Có nghề, các em mới có thể kiếm tiền nuôi bản thân”.

Quan trọng hơn nữa, theo ông, là tìm ra năng khiếu của mỗi em để phát huy. “Có gia đình khi mình đến thăm còn không tin các em có thể làm được việc gì, huống chi là học nghề để kiếm sống. Nhưng mình vẫn nghĩ rằng dù bị tật nguyền nhưng mỗi em đều có khả năng riêng, mình phải tìm và phát huy khả năng đó trong mỗi em”, ông Hồng nói.

Chỉ vào những sản phẩm và những bình hoa với những bông hoa được làm bằng voan trông rất đẹp mắt, ông Hồng bảo đó là sản phẩm của một bạn khuyết tật. Chỉ sau một tuần được Trung tâm đưa đến học nghề tại một shop làm hoa giả trên địa bàn quận Hải Châu, bạn đó có thể làm được, bây giờ trở thành người hướng dẫn những em cùng cảnh ngộ làm những bình hoa giả khá đẹp và đang được nhiều mối tiêu thụ.

Hiện nay, không chỉ kết hoa voan, các em khuyết tật tại Trung tâm còn nhận may, làm nhang và thêu tranh, kết cườm. Sau thời gian học tại đây, 6 em có tay nghề khá ra nghề đã xin được việc làm tại các cơ sở sản xuất, trở thành công nhân với mức thu nhập từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh việc học nghề, ông Hồng còn kết nối với các câu lạc bộ sinh viên, đội, nhóm từ thiện để tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ, giúp các em quên đi mặc cảm về chính mình. “Mắt yếu nên em không nhìn được rõ.

Ở nhà em chỉ quanh quẩn trong phòng, ít giao tiếp với ai. Chú Hồng bảo em vẫn có thể làm việc được nên từ khi vào đây, chú cho học nghề kết cườm và kiếm được tiền, em vui lắm! Với em, chú Hồng như người cha thứ hai”, Huỳnh Đức Tính (27 tuổi, quê ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) thổ lộ.

Tính bị nhiễm chất độc da cam nên từ nhỏ bị gù lưng và chậm phát triển. Lúc mới vào đây, Tính hầu như rất nhút nhát, không dám nói chuyện với ai và chưa biết làm gì. Hiện Tính biết kết cườm rất đẹp và luôn vui cười với các bạn.

Vào Trung tâm được 3 năm, bây giờ, Lê Thị Mỹ Ái (24 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Nam) cũng trở thành “chủ lực” trong đội làm nhang của Trung tâm. Do cơn sốt bại liệt từ nhỏ nên Ái bị teo cơ, không nói được. Bây giờ, Ái đã làm được gần 2.500 cây nhang mỗi ngày. Nhiều sản phẩm do các em làm ra đã được các cơ sở ký hợp đồng thu mua dài hạn.

Ước tính mỗi năm, các em tự tạo ra được hơn 12.000 sản phẩm với thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Ngoài việc ăn ở, học nghề miễn phí tại Trung tâm, các em còn được hưởng 15% lãi trên một sản phẩm do quá trình học nghề làm ra. Số tiền này được ông Hồng trao tận tay cho gia đình sau mỗi kỳ học. Ông Hồng bảo, quan trọng nhất chính là trang bị cho các em cái nghề để khi rời khỏi nơi đây, các em vẫn có thể tự nuôi sống bản thân, trở thành người có ích.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.