.

"Chọn mặt gửi vàng"

.

Trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội và HĐND luôn có vị trí, vai trò, nhiệm vụ hết sức quan trọng. Họ là những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, góp phần quyết định những vấn đề quan trọng và tăng cường công tác giám sát trên tất cả các lĩnh vực. Với ý nghĩa đó, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021), việc “chọn mặt gửi vàng”, tìm ra những người có đức, có tài, có ý chí, nghị lực là hết sức quan trọng.

Tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND là vấn đề quan trọng góp phần quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND.  Trong ảnh: Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quốc Bình chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND là vấn đề quan trọng góp phần quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND. Trong ảnh: Đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quốc Bình chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng, vấn đề chất lượng đại biểu càng đòi hỏi cao hơn rất nhiều.

Theo luật sư Đỗ Pháp, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, người đại biểu trong thời kỳ mới phải có nhiều tiêu chuẩn: về chuyên môn phải có kiến thức khá chuyên sâu đối với lĩnh vực cụ thể, phải có trình độ nhất định về chính trị, tuyệt đối trung thành với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và có kiến thức quản lý hành chính Nhà nước.

Về thực tiễn, họ phải là những người kiên quyết, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm, dám đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, cơ hội, cục bộ, chủ nghĩa cá nhân; họ là những người thực sự tâm huyết với công việc, có sự liên hệ mật thiết với nhân dân, biết mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, có lối sống trong sạch, lành mạnh.

Ở cấp nào cũng vậy, tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND là vấn đề quan trọng góp phần quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND. Cử tri luôn mong sẽ lựa chọn được những đại biểu ưu tú có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp trong thời gian tới.

Hiện nay, Luật Tổ chức Quốc hội và Tổ chức chính quyền địa phương đã tăng thêm quyền lực cho Quốc hội và HĐND, tăng cường các đại biểu chuyên trách. Đây là cơ sở pháp lý rất tốt cho Quốc hội và HĐND hoạt động.

Nhưng theo ông Đinh Bảy, cử tri Cẩm Lệ, muốn Quốc hội và HĐND mạnh thì phải chọn đại biểu Quốc hội và HĐND bảo đảm chất lượng. Cơ cấu là quan trọng nhưng phải đặt vấn đề chất lượng đại biểu lên hàng đầu. Nếu đặt cơ cấu lên hàng đầu thì không bảo đảm chất lượng. Chất lượng của đại biểu quyết định hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Nếu nặng về cơ cấu mà không chú trọng chất lượng đại biểu thì hoạt động sẽ yếu, mặc dù pháp luật quy định quyền lực là cao, nhưng con người mới là yếu tố quyết định.

Nhân dân có nhiều thành phần, nhiều giai tầng nên định hướng cơ cấu các đại diện cho họ để bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cũng hết sức đa dạng. “Theo tôi, bên cạnh quy định độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, giới tính, lĩnh vực hoạt động, đảng viên, quần chúng, cấp Trung ương, cấp địa phương… thì cần đặc biệt coi trọng vai trò của người phụ nữ.

Hiện nay, phụ nữ chiếm 1/2 dân số, họ cần có tiếng nói tương xứng với vị trí, vai trò xã hội của giới mình trong Quốc hội và HĐND các cấp. Do đó, tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử cần bảo đảm đúng quy định hiện hành. Quốc hội, HĐND các cấp cũng cần được trẻ hóa để tạo nên luồng sinh khí mới. Do vậy, cần bảo đảm tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi trong các cơ quan dân cử theo quy định của nhiệm kỳ 2016-2021”, cử tri Phạm Trường Sơn (quận Thanh Khê) bày tỏ.

Bên cạnh đó, việc mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cũng cần được chú trọng, nhất là tăng cường công tác đối thoại trực tiếp để người dân có đầy đủ thông tin chính xác, rõ ràng, có đủ độ tin cậy về các ứng cử viên mà mình sẽ lựa chọn bầu cử trong nhiệm kỳ. Ngoài ra, trong việc xây dựng quy trình, chuẩn bị nhân sự để bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cần chú trọng, chặt chẽ hơn nữa trong việc xem xét, đánh giá, lựa chọn những người thực sự có tài năng và tâm huyết, có bản lĩnh, nghị lực, xứng đáng là người đại diện cho nhân dân để giới thiệu bầu vào đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ

;
.
.
.
.
.