.
Chuyện tổ, chuyện thôn

"Nâng cấp" mô hình

Từ mô hình áp dụng riêng cho hội viên Hội Phụ nữ, đến năm 2010, UBND phường Thuận Phước (quận Hải Châu) đã “nâng cấp” mô hình “Phân loại rác thải” lên tầm cao hơn, nhân rộng ra toàn dân ở 30 khu dân cư (KDC) trên địa bàn phường cùng thực hiện.

Từ đó, tính ưu việt của mô hình được phát huy hiệu quả, không những giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KDC mà còn mang lại giá trị kinh tế để phục vụ các hoạt động an sinh xã hội trong cộng đồng.

Bà Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, cho biết từ mô hình riêng của Hội LHPN phường, qua triển khai thực hiện tồn tại một số hạn chế nhất định như: đối tượng vận động chỉ dừng lại ở hội viên phụ nữ, quỹ thu gom (từ việc phân loại rác thải để bán phế liệu) chỉ phục vụ riêng cho Hội Phụ nữ; rác thải sinh hoạt khi hội viên phân loại rồi mang đến nhà chi hội trưởng tập kết, dễ phát sinh điểm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống.

Trước thực trạng trên, UBND phường cùng Hội LHPN đã cải tiến mô hình “Phân loại rác thải” ban đầu sang hình thức dùng xe đẩy (rác đã phân loại). Chi bộ KDC có trách nhiệm chỉ đạo, lãnh đạo các hội, đoàn thể thực hiện.

Đối tượng tham gia là toàn thể đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn phường. Rác thải sinh hoạt được phân loại ngay tại từng hộ gia đình trước khi mang ra xe đẩy để tập kết và mang đến cơ sở thu gom phế liệu để bán.

Số tiền thu lại được dùng cho các hoạt động an sinh xã hội tại KDC như: mua quà Tết cho các hộ dân trong tổ; hỗ trợ ốm đau, các gia đình khó khăn, gia đình chính sách; hỗ trợ các chi hội, đoàn thể một phần kinh phí hoạt động; thăm, tặng quà thanh niên lên đường nhập ngũ; tổ chức các hoạt động dịp Tết Thiếu nhi (1-6), Trung thu, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo học giỏi…

“Mô hình thực sự lan tỏa khắp phường, tạo thành phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí cũng như tạo ra nguồn lực dồi dào, góp phần đưa các hoạt động của hội, đoàn thể ở các KDC ngày càng sôi nổi, hiệu quả”, bà Lê Thị Thuận chia sẻ.

Ông Đoàn Minh Vương, Bí thư Chi bộ KDC 36 - KDC thực hiện thí điểm và hiệu quả nhất cho đến nay việc cải tiến mô hình “phân loại rác thải” ở phường Thuận Phước, cho biết khó khăn trong thời gian đầu triển khai là người dân chưa hoàn toàn tin tưởng, tính “kinh tế” cá nhân của mỗi hộ gia đình vẫn tồn tại.

“Nhận làm điểm, để KDC thực sự thực hiện mô hình cải tiến hiệu quả, chúng tôi quán triệt đối với cán bộ các đoàn thể, chi hội phải thực hiện nghiêm túc, nhiệt tình và đoàn kết, nhất trí cao. Từ đó, công tác vận động người dân phải thường xuyên, linh hoạt. Bên cạnh đó, việc thu chi các khoản trong KDC phải rõ ràng, cụ thể, công khai trước nhân dân tại các cuộc họp tổ dân phố.

Phát huy đúng tinh thần của mô hình là tiền thu gom phải được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, chính xác trong chi tiêu. Qua thời gian “mưa dầm thấm lâu”, người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn từ mô hình mang lại, nên họ dần tham gia sôi nổi. Đến nay, 100% người dân đồng thuận tham gia”, ông Vương cho biết.

Theo ông Vương, việc thực hiện mô hình cải tiến “Phân loại rác thải” là sự sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Từ việc thực hiện cải tiến mô hình “Phân loại rác thải”, mỗi KDC bình quân mỗi năm thu về gần 10 triệu đồng, toàn phường đạt gần 300 triệu đồng. “Với hiệu quả tích cực như thế, cố Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh từng thưởng nóng cho mô hình của phường 10 triệu đồng, một số địa phương khác đã đến học hỏi kinh nghiệm… Năm 2015, Hội đồng khoa học và công nghệ quận Hải Châu công nhận đây là mô hình cải tiến sáng kiến kinh nghiệm”, bà Lê Thị Thuận cho biết.

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.