Đây là ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận về “Kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2021”, sáng 24-3.
Đại biểu Võ Thị Dung - Ảnh: Tuổi trẻ |
Phải dự báo về nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền
Bàn về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2021, đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cho rằng, sau những biến động về tình hình chủ quyền đất nước trong thời gian qua, cần phải nói rõ nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền sẽ ảnh hưởng thế nào đến đất nước trong 5 năm tới.
“Chúng ta không dự báo được thì làm sao có chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Tôi đọc báo cáo thấy dự báo rất mờ nhạt. Cần phải xem việc xâm phạm chủ quyền là một nguy cơ nguy hiểm, bên cạnh các nguy cơ khác về thiên tai, biến đổi khí hậu như đã nêu” - Bà Võ Thị Dung đề nghị.
Theo bà Dung, chỉ khi dự báo được cụ thể, thì mới có sự chủ động trong việc ứng xử trong đường lối đối ngoại, điều hành chỉ đạo đất nước một cách bền vững.
“Rõ ràng là chủ quyền của đất nước bị xâm phạm rồi, chứ không chỉ là nguy cơ nữa. Nhưng trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020, không thấy dự báo rõ nét".
Hàng nghìn nhà khoa học sáng chế không bằng nông dân
Đại biểu Quốc hội Trần Xuân Hòa - Ảnh: Tuổi trẻ |
Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng giai đoạn vừa qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào 3 yếu tố là vốn, tài nguyên và lao động giá rẻ.
Bài toán đặt ra cho giai đoạn tới là tìm kiếm động lực phát triển khác, không thể dựa mãi vào 3 yếu tố trên. Trong đó, ai cũng nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ, nhưng thực tế cho thấy thể chế kinh tế thị trường chưa thấm sâu vào lĩnh vực này.
“Chúng tôi ở trong Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đi giám sát các cơ sở khoa học công nghệ, thấy rằng tư tưởng bao cấp, xin cho còn rất nặng nề, vì vậy không có động lực để phát triển.
Phải làm sao để cơ chế thị trường thấm sâu vào hoạt động khoa học công nghệ. Chúng ta nên mạnh dạn cơ sở nào không hoạt động được thì giải tán. Chúng tôi thăm Viện khoa học công nghệ VN, rất hoành tráng, có hàng nghìn nhà khoa học, nhưng hỏi thì sản phẩm khoa học trưng ra cực kỳ hiếm, không đáng kể” - đại biểu Thăng nói.
Phát biểu sau đó, đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) nói, “Ở trên anh Thăng nói về khoa học công nghệ, có lẽ do thể chế, chứ tại sao mới chỉ trình độ tiểu học mà gần 80%-90% các sản phẩm, các công cụ nông nghiệp là do bà con nông dân làm ra, chứ không phải là ở trong các viện. Đến như cái tàu ngầm lại cũng là người dân làm” - ông Hòa nhấn mạnh.
Theo ông Hòa, nếu đi tìm hiểu chi phí tàu ngầm do người dân làm (đã bán cho Malaysia) và tàu ngầm do các nhà khoa học làm thì sẽ thấy khoảng cách hàng trăm lần, và rõ ràng là tàu ngầm dân làm rẻ hơn.
Ông Hòa cũng cho rằng thái độ đối xử của ta với khoa học công nghệ cũng có vấn đề. Đơn cử như việc một nông dân ở Thái Bình sáng chế ra lò đốt rác nhiệt độ cao, lẽ ra cơ quan chức năng cần huy động các nhà khoa học vào hỗ trợ người nông dân này hoàn thiện sáng chế, khắc phục những điểm hạn chế thì lại chê bai và yêu cầu dỡ bỏ một số chi tiết của lò đốt rác để kiểm tra.
Theo Tuổi trẻ