Ngày 28-3, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII ghi nhận rất nhiều ý kiến đánh giá thẳng thắn, chân thực về kết quả công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước trong cả nhiệm kỳ.
Đây cũng là cơ hội, là dịp để Quốc hội và cử tri nhìn nhận một cách toàn diện, đa chiều và đầy đủ về những thành tựu, dấu ấn nổi bật 5 năm qua của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; đồng thời cũng là dịp tiếp thu những góp ý quý báu để nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, xứng đáng hơn với cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân và cử tri cả nước.
Tất cả các ý kiến phát biểu tại nghị trường đều tán đồng với dấu ấn lớn nhất của cả nhiệm kỳ đó là bản Hiến pháp 2013 - bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đặc biệt đề cao quyền con người, quyền công dân và tính thượng tôn pháp luật.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng hình ảnh một Quốc hội của dân, do dân và vì dân đã được thể hiện đậm nét trong cả nhiệm kỳ, nhất là tiến bộ vượt bậc trong công tác lập pháp cùng với Hiến pháp 2013. Kết quả trước hết là Quốc hội đã tự đổi mới, mỗi đại biểu Quốc hội gắn bó với nhân dân, tạo nên tầm vóc mới của Quốc hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
“Mỗi đại biểu Quốc hội luôn trong tâm thế cháy lên nhiệt huyết đưa đất nước hướng đến phồn vinh, đưa chất lượng kỳ họp ngày càng nâng lên, để lại âm hưởng khó quên trong lòng nhân dân. Hoạt động của Quốc hội không ngừng đổi mới. Sự điều hành của Chủ tịch, Phó Chủ tịch cũng đã để lại dấu ấn nhạy bén, góp phần quan trọng tạo nên dấu ấn thành công của các kỳ họp”, đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu.
Bên cạnh những tình cảm sâu sắc, những ấn tượng mạnh mẽ của các đại biểu về một nhiệm kỳ đổi mới đồng bộ, toàn diện, trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân trên cả 3 mặt công tác lập hiến, lập pháp; giám sát và quyết định những vấn đề nổi bật của đất nước, nhiều đại biểu cũng đã chỉ rõ những tồn tại cố hữu, những yếu điểm cần khắc phục để hình thành một Quốc hội hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, củng cố mạnh mẽ hơn vị thế của một cơ quan tối cao, quyết định những vấn đề mang ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh đất nước.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa đánh giá 5 năm chưa dài nhưng là cơ sở để đánh giá khách quan hoạt động của Quốc hội. Tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng chưa thực hiện hết quyền của Quốc hội công tác giám sát chống tham nhũng chưa cao, công tác làm luật còn thiếu tập trung, chắp vá, một số đạo luật còn chưa đi vào thực tế. Đại biểu đề nghị Quốc hội cần có chế tài xử lý cơ quan xây dựng và thẩm tra luật nếu dự án luật đó không đi vào cuộc sống.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng vai trò của đại biểu trong xây dựng pháp luật còn hạn chế vì nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào. Đó chính là nguyên nhân cơ bản của việc pháp luật không đi vào cuộc sống; luật thì nhiều nhưng nhân dân lo lắng về bệnh “nhờn luật” và một bộ phận trong xã hội đang đứng lên trên pháp luật, đại biểu phân tích.
Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội cần cơ cấu hợp lý hơn thành phần đại biểu tại diễn đàn lập pháp theo hướng tăng cao hơn nữa tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động của Quốc hội. Có ý kiến đề nghị Quốc hội xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng đại biểu Quốc hội tích cực và không tích cực là tiêu chí đánh giá đổi mới của Quốc hội.
Bày tỏ mong Quốc hội tăng cường đại biểu chuyên trách, đại biểu Huỳnh Nghĩa lập luận Quốc hội phải hướng đến chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng vẫn còn đại biểu chưa thực hiện tốt vai trò của mình, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân.
Đề nghị Quốc hội khóa mới nên nghiên cứu chọn đại biểu Quốc hội chuyên trách xứng tâm, xứng tầm để Quốc hội đổi mới thực sự hơn, đại biểu Huỳnh Nghĩa kết thúc phần phát biểu của mình với một gửi gắm đầy ưu tư: “Quốc hội nhiệm kỳ mới vẫn còn nặng nợ với cử tri, sự đánh giá của cử tri đôi lúc nghiệt ngã nhưng cũng công bằng và độ lượng, tin tưởng mỗi đại biểu Quốc hội sẽ tự mình vươn lên vì một Quốc hội của dân, do dân và vì dân”.
Mạnh dạn đề nghị Quốc hội tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên trên 40%, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) thổ lộ, cử tri nơi ông ứng cử thậm chí còn đề nghị tăng số này lên mức 60% tổng số đại biểu Quốc hội.
Cho rằng việc Quốc hội còn nặng về cơ cấu đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm có thể dẫn đến không chọn được người giỏi, đại biểu Phạm Ngọc Châu (Quảng Trị) lý giải đại biểu kiêm nhiệm có thể sẽ không phát biểu được những vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến lĩnh vực và địa phương mình công tác. Hơn nữa, Quốc hội không có đánh giá riêng đối với từng đại biểu, có chăng chỉ là cử tri đánh giá, cơ chế như vậy rất khó để đổi mới chất lượng đại biểu Quốc hội.
B.T tổng hợp