.

Hồi ức khó quên

.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi có thời gian ngắn công tác tại Ban Liên lạc Công thương thuộc  Ủy ban Mặt trận Dân tộc  Giải phóng tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Được dự vài hội nghị và được nghe chú Tân (Hồng Quang) - khi ấy là Phó Chủ tịch Mặt trận phát biểu. Tôi thật sự ấn tượng về cách diễn thuyết mạch lạc không cần giấy tờ soạn sẵn của chú mà rất thu hút người nghe. Có người nói với tôi “Ông Tân chỉ cần đọc qua tài liệu dù dài đến đâu vẫn nắm vững nội dung và nói vanh vách”, quả không sai!

Ông Hồng Quang, Bí thư quận Nhì và ông Hồ Duy Vĩnh, Giám đốc Nhà máy Dệt Hòa Thọ tham quan xưởng dệt trong ngày khánh thành tổ hợp dệt 29-3-1976.
Ông Hồng Quang, Bí thư quận Nhì và ông Hồ Duy Vĩnh, Giám đốc Nhà máy Dệt Hòa Thọ tham quan xưởng dệt trong ngày khánh thành tổ hợp dệt 29-3-1976.

Khi tổ hợp dệt 29-3 ra đời, chú Tân là Bí thư Quận ủy quận Nhì (nay là quận Thanh Khê). Tại buổi lễ khánh thành tổ hợp vào ngày 29-3-1976, với cương vị là lãnh đạo cao nhất tại địa phương, chú phát biểu động viên và biểu dương bà con cổ đông đã góp sức, tiền bạc hình thành tổ hợp dệt. Song chú không tránh khỏi bâng khuâng, vì theo chú nhiều nhà máy tại miền Bắc XHCN như dệt 8-3 có lúc cũng khó khăn vì thiếu nguyên liệu.

Sau buổi lễ, lợi dụng lúc đại biểu đi tham quan xưởng dệt, đi bên cạnh chú, tôi mạnh dạn góp ý: “Bữa nay khánh thành mà chú bâng khuâng về sự tồn tại của xưởng dệt do bị động về nguyên liệu thì làm sao huy động vốn cổ đông?”.

Chú ôn tồn nói với tôi: “Tính tau thích nói thiệt, tau hoan nghênh tinh thần yêu nước của bà con cổ đông, nhưng tau lo. Quê mình nói trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa nhưng rồi nghề này cũng mai một. Bây giờ mi dệt khăn, dệt vải tau lo nhất là nguyên liệu - lúc khó khăn người ta lo cho quốc doanh là chính! Mi bàn với anh em cho lực lượng lên sông Nam, sông Bắc lập trại chăn nuôi, trồng cây bạc hà xuất khẩu. Cái này rất quan trọng, lấy ngắn nuôi dài.”

Tôi suy ngẫm về những ý kiến chỉ đạo và những điều bâng khuâng của chú tại buổi lễ cũng như lúc đi bên cạnh chú và càng kính trọng về những lo toan, trăn trở của người lãnh đạo từng vào sinh ra tử như chú trước thực tế vô cùng khó khăn của đất nước, của địa phương trong những năm đầu sau giải phóng.

Bức tranh kinh tế xã hội lúc bấy giờ đã được giới “tán gẫu” đúc kết :

Cây đinh phải đăng ký
Trái bí phải sắp hàng
Khoai lang cần tem phiếu
Thuốc điếu phải mua bông
Lấy chồng phải cai đẻ
Bán lẻ chạy công an
Lang thang đi cải tạo
Hết gạo ăn bo bo
Học trò không có tập...

Không lâu sau, thực hiện ý kiến chỉ đạo của chú và lời kêu gọi của Công đoàn quận Nhì, Tổ hợp dệt 29-3 đã cử một đoàn gồm 50 cán bộ công nhân viên do tôi trực tiếp chỉ huy lên sông Nam khai hoang trồng sắn, trồng bạc hà. Bây giờ nghĩ lại chúng tôi mới thấy lúc ấy hừng hực khí thế “Tinh thần cách mạng tiến công ! ”

Trong một đêm liên hoan lửa trại trên núi rừng heo hút, tôi đã cảm khái làm thơ- bài thơ có đoạn:

... Đốt cao ngọn lửa liên hoan
Núi rừng thức dậy reo vang tiếng cười
Đêm Sông Nam nhớ thương ơi!
Chúng tôi công nhân 29 tháng 3
Các anh thanh niên xung kích
Gặp nhau đây nông trường - xí nghiệp.
Chúng ta con một nhà
Đổ mồ hôi xuống cho đất nở hoa
Đào sâu cuốc chín.
Ta bắt núi đồi trở thành đất mịn
Xanh sắn khoai no ấm cuộc đời.
Ta bắt suối nguồn chạy ngược lên đồi
Tưới lên đất vừa mới vỡ
Bàn tay ta - Bàn tay người thợ
Quen nối chỉ cầm thoi
Nay cuốc đất khai rừng
Đẹp những ngày gùi đá nặng lưng
Xếp đá ngăn sông làm nên sức mạnh
Hàng cây bạc hà vươn cao đứng thẳng
Vẫy gọi chúng ta nhìn tới tương lai
Vì cuộc sống hôm nay
Vì no ấm ngày mai
Mà gian khó núi rừng trở thành bất lực
Mà nghèo đói sẽ không còn đủ sức
Níu bước chân ta về quá khứ nhọc nhằn...

Bây giờ cuộc sống đã đổi thay. Mọi người được hưởng thụ thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Công ty CP Dệt may 29-3 giờ đây đã ở tuổi 40 - nơi ngày xưa với xuất phát điểm nhỏ bé của một tổ hợp - Tổ hợp ấy đã vượt qua bao khó khăn thách thức để tồn tại và không ngừng phát triển. Song đối với tôi, những lời động viên, những trăn trở băn khoăn của chú tại buổi lễ khánh thành tổ hợp cách đây 40 năm vẫn là hồi ức khó quên!

Tháng 3-2016

HUỲNH VĂN CHÍNH

;
.
.
.
.
.