Sáng 21-3, kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII được khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN |
Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân…
Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kỳ họp thứ 11 còn tập trung thời gian tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.
Kỳ họp thứ 11 dự kiến làm việc trong 19 ngày nhằm hoàn tất những nhiệm vụ, phần công việc đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.
“Nhiệm vụ rất nặng nề, trách nhiệm cũng thật lớn lao”
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước có những khó khăn, thách thức và vận hội, thời cơ đan xen, kỳ họp thứ 11 là thời điểm để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, tư pháp và các mặt công tác khác, đề ra các việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng sau:
Một là, xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020.
Hai là, xem xét, thông qua các dự án Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật Dược (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi); phê chuẩn Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Mỹ; xem xét báo cáo về kết quả đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan.
Ba là, xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.
Bốn là, xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
“Kỳ họp thứ 11 có khối lượng công việc khá lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước; xem xét, tổng kết hoạt động của bộ máy Nhà nước trong nhiệm kỳ qua; xem xét quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, nhiệm vụ rất nặng nề và trách nhiệm cũng thật lớn lao!”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
GDP tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008
Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tăng trưởng GDP cả năm 2015 đạt khoảng 6,68%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2015 tăng 0,63% so với năm trước, mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm qua như việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP.
Tuy vẫn bảo đảm trong giới hạn quy định nhưng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%, từ các mức tương ứng của năm 2011 là 50%, 39,3% và 37,9% .
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,9%/năm, thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt mục tiêu đề ra (6,5-7%). Khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực còn lớn.
Trên cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được, dự báo tình hình, Chính phủ đề xuất trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 với các chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4%.
Các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn tới vẫn bám sát đột phá lớn đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng…
B.T tổng hợp