Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa có công văn số 192-CV/TU về việc thực hiện Kết luận số 119-KL/TW của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX). Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể thành phố tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đạt được về mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; bảo đảm quy mô dân số thành phố không quá 1,4 triệu người vào năm 2020 và tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 2 triệu người từ giữa thế kỷ 21.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 47-NQ/TW và Chỉ thị 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.
Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất lẫn trí tuệ và tinh thần; tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh; thực hiện tốt các chương trình, biện pháp để nâng cao tầm vóc, thể lực của người dân.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa của từng địa phương. Tăng cường giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho thanh niên, vị thành niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, hôn nhân và gia đình bằng hình thức phù hợp.
Ổn định mô hình tổ chức, bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ như hiện nay. Quan tâm công tác tuyển dụng viên chức ở trung tâm DS-KHHGĐ quận, huyện và đội ngũ chuyên trách DS-KHHGĐ phường, xã; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác DS-KHHGĐ.
Tăng cường đầu tư nguồn lực của địa phương cho lĩnh vực dân số và phát triển. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển…
B.T