Không có điều kiện vươn khơi làm ăn lớn để đổi đời, những ngư dân nghèo chỉ biết chọn khu vực cửa sông Hàn ra đến chân đèo Hải Vân để mưu sinh. Dù mưa hay gió, họ vẫn lặng lẽ cần mẫn bám mặt vào sông, vào biển như những chiếc neo nương mình theo dòng nước từ đời này qua đời khác mà không sao thoát khỏi cảnh nợ nần, khốn khó.
Gần 70 chiếc tàu, ghe vẫn ngày đêm mưu sinh từ cửa sông Hàn đến đèo Hải Vân. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
“Có của nả chi mô mà không nghèo”
Trải qua một đêm thức trắng “bán mặt cho sông, bán lưng cho trời”, đôi mắt anh Phan Huy (47 tuổi) tiều tụy, hốc hác không chỉ vì thiếu ngủ mà hằn sâu nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền. Trên tầng 3 khu chung cư 7 dành cho những người lao động nghèo (đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Thuận Phước, quận Hải Châu), căn hộ của gia đình anh Huy càng trở nên ảm đạm khi vợ anh nằm cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng trên sàn nhà sau những lần chạy thận nhân tạo.
Được tái định cư, chuyển từ nhà chồ lên đây đã hơn 15 năm nhưng căn hộ 32m2 này không có bất cứ thứ gì đáng giá. Gia tài có được sau hơn 30 năm đánh bắt ven bờ là hai đứa con gái đang tuổi ăn, tuổi học. Nén nỗi buồn vào trong, anh Huy chia sẻ trong ánh mắt đầy âu lo: “Khi vợ còn khỏe thì cả hai cùng đi ghe kiếm sống, bây chừ phải bỏ ghe nằm không để đi bạn cho người ta. Bữa ni làm không có chi, trừ dầu ra thì cũng không được mấy. Có đêm kiếm vài chục nghìn, có đêm không có chi, còn lỗ tiền dầu. Bữa ni bạn kêu không ra nên các chủ phương tiện đổi công cho nhau để kiếm bữa ăn qua ngày”.
Cũng như hàng chục hộ có ghe nhỏ, mã lực dưới 20 CV, anh Phan Huy chỉ đánh bắt cá, tôm, ghẹ gần bờ, dưới chân cầu Thuận Phước. Vài năm trước, hải sản nhiều nên ngư dân còn có cái ăn cái mặc. Bây giờ tôm cá ngày càng cạn kiệt, đời sống càng khốn khó. “Mấy năm trước, qua mùa ni làm được lắm chú ơi, nhưng chừ sông Hàn không còn nhiều hải sản. Mình làm bằng ghe máy nhỏ nên có mấy đâu, vậy chứ cũng phải ráng đi làm để nhặt nhạnh sống qua ngày”, anh Phan Huy than thở.
Vợ anh Phan Huy tuần chạy thận nhân tạo 2 lần, đến nay đã 2 năm. Lúc trời động, chị lại mệt trong người. Anh Huy làm lụng được bao nhiêu cũng không đủ lo cho vợ và hai con đang học lớp 11 ở Trường THPT Nguyễn Hiền và lớp 7 ở Trường THCS Lê Thánh Tôn. Một mình anh vừa đi đánh cá kiêm bán cá. Tâm sự về cảnh túng thiếu mà không có lối thoát, anh Phan Huy nói giọng buồn buồn: “Tôi vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng mới trả được hơn nửa. Chừ vợ đau rồi nên càng khó trả. Trong nhà có cái chi giá trị nữa mô mà không nghèo”.
Trở về sau đêm đánh cá, cha con ông Huỳnh Văn Phúc tranh thủ đan lưới để kiếm thêm thu nhập. |
Luẩn quẩn nợ nần
Không giống với hoàn cảnh của anh Huy, cái khổ của ông Huỳnh Văn Phúc (65 tuổi) là nợ nần chồng chất mà không sao trả được. Bốn đời làm nghề đi ghe, nay muốn con cái đổi đời, ông Phúc vay 30 triệu đồng cho con gái học Đại học Kinh tế để thoát khỏi cảnh nghèo.
Ai ngờ, nợ chưa trả xong mà con gái ra trường vẫn thất nghiệp, đi bán nước mía. Trong khi đó, đứa con trai theo nghề đi biển, vì vay tiền nâng cấp máy mà đến giờ còn nợ hơn 300 triệu đồng chưa trả xong. Giờ cả gia đình 7 nhân khẩu phải bấu víu vào nhau trong một căn hộ chung cư chỉ rộng 32m2.
Bế tắc trước đống nợ đang ngày một lớn dần, ông Huỳnh Văn Phúc thở dài: “Cái nghèo của anh Huy là đánh bắt gần bờ nhưng chừ không có mà ăn vì nguồn tài nguyên cạn kiệt, gia đình ốm đau. Cái nghèo của tôi là muốn thoát cảnh đánh bắt gần bờ mà sinh ra nợ nần. Mua máy móc để vươn khơi, chừ làm ăn không được, lại nghèo vì nợ chồng nợ”.
Cũng như ông Huỳnh Văn Phúc, nhiều hộ đánh bắt ven sông Hàn bằng ghe nhỏ có mã lực dưới 20 CV cố gắng vay mượn nâng cấp máy lên trên 20 CV để đi cào ruốc, đi mành, câu mực, cá nục, cá mờm, tôm hùm ở ngoài chân đèo Hải Vân. Do không có sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng nên họ chấp nhận vay ngoài với lãi suất cao.
“Khi làm được thì tập trung vào sắm sửa ghe máy. Lúc thua lỗ, cũng phải gồng mình làm trả nợ trả nần. Mà như nhà của chú đây, cha vay Nhà nước rồi thì con làm chi được vay nữa. Vay 50 triệu đồng trở lên phải có sổ đỏ mà nhà ni làm chi có sổ đỏ nên phải vay ngoài.
Vay ngoài thì lãi cao lắm, ví dụ vay Nhà nước 10 triệu đồng thì mỗi tháng trả 65.000 đồng thôi, còn vay ngoài chừng đó ít nhất mỗi tháng phải trả 300.000 đồng. Vì ghe lớn, nên một đêm mất 1 triệu đồng tiền dầu, 5 đêm mất 5 triệu đồng rồi, vậy là nợ tiền ông chủ bỏ dầu. Từ những cái đó mà ngư dân dần dần khó mãi. Không có đường tháo gỡ”, ông Huỳnh Văn Phúc giải thích.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước cho biết, ngoài 8 chiếc tàu lớn đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, hiện có gần 70 chiếc tàu, ghe đánh bắt từ khu vực cầu Thuận Phước ra đến đèo Hải Vân. Một năm ngư dân làm 9 tháng, còn 3 tháng nghỉ, mà 9 tháng thì làm 6 tháng là chính nên đời sống rất khó khăn. 10 người thì hết 9 người mắc nợ nhưng họ vẫn bám sông, bám biển cả một đời cho đến già. Con cái làm còn chưa đủ ăn, lấy gì nuôi cha mẹ nên người già vẫn phải cầm lái đi biển.
Lên bờ rồi lại xuống biển
Hầu hết những người mưu sinh trên sông Hàn là dân vạn đò, nhiều đời nổi trôi trên mặt nước. Cũng không ít người chịu lỗ mà bán ghe, bán máy lên bờ tìm việc khác nhưng rồi không đủ ăn, họ lại quay xuống biển. Nhớ lại những ngày vất vả quyết định lên bờ, ông Phạm Phụng (56 tuổi) tâm sự: “Chú cũng từng lên bờ làm rồi.
Sức chú lên bờ làm 3-4 triệu đồng/tháng, không đủ lo cho gia đình nên rồi cũng lại xuống biển kiếm sống”. Không chỉ tìm cách lên bờ đổi đời, trước đó, ông Phạm Hùng cũng từng đánh liều bỏ hết cả vốn liếng để nâng cấp ghe máy, vươn khơi tăng thu nhập. “Năm 2006, tôi bỏ vốn 400 triệu đồng, sau 1 năm không có ai làm cùng nên đành bán đổ bán tháo, chấp nhận lỗ 100 triệu đồng. Thuê người đi biển chừ khó lắm, chú ơi. Mình kêu lao động ở xa về, họ đòi ứng trước 5-10 triệu đồng, khi làm ăn có thì họ theo, khi không có, họ đi là mình mất trắng”.
Sau khi nâng cấp ghe lên 55 CV, hai cha con ông Phụng thuê thêm 2 lao động nữa. Mỗi gia đình có 5 khẩu, vậy là 4 người đi ghe nuôi 20 khẩu nên đời sống càng vất vả. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều ngư dân từ Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế vào đánh bắt nhiều nên nguồn hải sản gần bờ càng cạn kiệt. “Lúc trước làm một đêm khoảng 3 - 4 triệu đồng. Còn bây chừ chạy cả đêm chỉ được 1 - 1,5 triệu đồng, không bằng một nửa hồi trước. Mấy năm trước làm được thì chia sẻ cho nhau nên đời sống cũng đỡ khổ. Giờ giá dầu hạ, giá đồ ăn thức uống cứ tăng lên mà hải sản thì cầm chừng rứa đó”, ông Phụng nói trong lo âu.
Trời tối dần mang theo từng cơn gió lạnh buốt. Nơi cửa sông Hàn, những chiếc ghe bắt đầu dãi gió dầm sương tiếp tục nối nhau ra biển. Cũng như ông Phan Huy, Huỳnh Văn Phúc, Phạm Phụng, hàng trăm ngư dân vẫn cha truyền con nối “đầu tắt mặt tối” bám mặt vào sông biển từ đêm đến sáng, đặt cả cuộc sống của gia đình vào từng con cá, con tôm. Nhìn những bóng người khắc khổ, gầy gò nhoài mình trên những chiếc ghe nhỏ dần về phía biển, tôi chợt nhói lòng nhớ đến câu nói buồn buồn của ông Phúc: “Già ri rồi cũng phải cầm lái chú ơi. Chứ chừ nghỉ cũng chẳng biết mần chi mà ăn!”.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước, quận Hải Châu: 11 gia đình ngư dân thuộc diện hộ nghèo Hiện nay, Hội Nông dân phường Thuận Phước có 341 hội viên, trong đó có 11 gia đình ngư dân thuộc diện hộ nghèo. Ngoài 8 chiếc tàu lớn đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, có gần 70 chiếc tàu, ghe đánh bắt từ cầu Thuận Phước ra đến đèo Hải Vân. Một năm ngư dân làm 9 tháng, còn 3 tháng nghỉ; mà 9 tháng thì làm 6 tháng là chính nên đời sống rất khó khăn. 10 người thì hết 9 người mắc nợ nhưng họ vẫn đi làm đến khi nào không còn làm được nữa thì thôi. Nhiều người bám sông bám biển cả một đời đến già vẫn không thể nghỉ. Ngư dân không thể bỏ nghề vì họ yêu nghề biển; hơn nữa, họ có thể tận dụng cá đánh bắt được làm thức ăn để giảm một phần chi phí sinh hoạt hằng ngày. |
ĐOÀN LƯƠNG