Chính trị - Xã hội
Việc nhà: chuyện nhỏ mà không nhỏ!
Chia sẻ việc nhà, chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng rất khó tìm được tiếng nói chung ở mỗi gia đình. Theo các chuyên gia tâm lý, những điều tưởng nhỏ nhặt này nếu không được giải quyết sẽ tạo thành lỗ hổng lớn trong xây đắp hạnh phúc hôn nhân.
Chia sẻ việc nhà, cùng giáo dục con cái là một trong những vấn đề được Hội LHPN thành phố quan tâm tuyên truyền trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình. TRONG ẢNH: Tiết mục tham gia Ngày Quốc tế hạnh phúc tại Trường mầm non 20-10. |
Căng thẳng vì việc nhà
Ngày nào cũng vậy, đồng hồ chuyển sang 17 giờ, chị Như Bích (quận Ngũ Hành Sơn) vội vàng rời công ty, lo về nhà để kịp cơm nước cho hai đứa con, một đứa lớp 4, một đứa mới vào mẫu giáo. “8 giờ tối mới xong mọi việc, rồi kèm đứa lớn học hành. Mình làm nghề kế toán, cả ngày vật lộn với mấy con số. Nếu ngày đó công việc không suôn sẻ, về nhà thêm biết bao việc không tên, rứa là đá thúng đụng nia với chồng con. Hoặc trúng bữa chồng đi nhậu, ngày mai làm gì cũng có chiến tranh lạnh”, chị Bích chia sẻ.
Kể về gia đình mình, chị Trâm (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cũng không khỏi phiền lòng. Từ ngày vỡ kế hoạch, đứa thứ 3 ra đời, chị nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con cái cho chồng tập trung công việc.
Một ngày quần quật với bếp núc, nhà cửa, giặt giũ, rồi lo cho đứa lớn, đứa nhỏ..., chị không còn thời gian lo cho bản thân. “Buồn nhất là chồng giao khoán hết trách nhiệm trong gia đình cho tôi, anh chỉ có việc kiếm tiền. Nếu con cái không nghe lời, đau ốm thì anh liền gắt gỏng rằng có mỗi việc ở nhà trông con mà cũng lo không xong!”, chị Trâm nói.
Nhiều lần tiếp xúc với cán bộ làm công tác phụ nữ, các chị cũng than phiền về trách nhiệm của người chồng trong công việc nhà. “Mình đi tuyên truyền bình đẳng giới, nhưng về nhà loay hoay bếp núc, chồng ung dung xem ti-vi. Nhà mình cũng rứa thì đi nói ai nghe đây! Có lẽ ý nghĩ đàn ông không làm việc nhà ăn sâu trong tiềm thức của đàn ông Việt”, một cán bộ phụ nữ tâm sự.
Cần sẻ chia
Bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ xã hội thành phố Đà Nẵng cho rằng, quỹ thời gian của hai vợ chồng đều như nhau, nhưng ngoài công việc xã hội, người phụ nữ phải gánh thêm việc nhà. Với sự quá tải như vậy, người phụ nữ ắt hẳn mệt mỏi, dẫn đến cằn nhằn và dần dần mất đi những hình ảnh tốt đẹp trước đó về người bạn đời.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thu Huyền, quyền Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài chia sẻ, qua tâm sự của khách hàng thì hầu hết hôn nhân rạn nứt bắt đầu từ việc không hiểu nhau. “Yêu nhau, hiểu nhau mới lấy nhau. Tại sao đến bây giờ họ lại không hiểu nhau? Nghe có vẻ mâu thuẫn. Nhưng thật ra, trong cuộc sống hôn nhân, rạn nứt bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt mà không ai nghĩ đến. Chẳng hạn như chuyện người vợ cáng đáng hết việc nhà dẫn đến trạng thái bực bội. Mà đã bực bội thì không thể vui vẻ, ngọt ngào với chồng.
Ngược lại, người chồng lại cảm thấy vợ không còn thời gian chia sẻ những thú vui phim ảnh, thể thao với mình..., từ đó bắt đầu tìm kiếm sự chia sẻ từ người khác. Lâu ngày dẫn đến không hiểu nhau và rạn nứt là tất yếu”, bà Huyền phân tích.
Giải pháp cho hôn nhân hạnh phúc bền lâu, theo các chuyên gia tâm lý, bản thân mỗi người vợ, người chồng phải ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, đặc biệt cần thay đổi nhận thức của đàn ông về việc nhà. Tùy hoàn cảnh mỗi gia đình, phân công việc làm hợp lý. Nhất thiết phải tập cho con cái, cả trai lẫn gái biết làm việc nhà, không bao bọc, tạo thói ỷ lại cho con cái.
Theo bà Trương Thị Như Hoa, muốn nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, muốn một bữa cơm ngon thì cả nhà cùng xắn tay vào làm. Được phụ giúp, dù những việc nhỏ, nhưng người vợ sẽ đỡ vất vả rất nhiều, họ có thời gian chăm sóc bản thân và hơn hết cảm thấy được trân trọng, yêu thương. “Hạnh phúc không phải tự có, mà là những góp nhặt trong đời sống hằng ngày. Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng, hãy cùng chia sẻ việc nhà để xóa những bực bội, căng thẳng không đáng có trong gia đình”, bà Hoa nêu ý kiến.
“Thống kê mới đây cho thấy, mỗi năm trên địa bàn Đà Nẵng có từ 1.500 - 2.000 vụ/việc liên quan đến ly hôn. Điều đó cho thấy giữ được hôn nhân không phải là dễ dàng, tạo dựng mái ấm hạnh phúc lại càng khó. Không phải ngẫu nhiên mà 3 năm liên tiếp (2014, 2015, 2016), chủ đề của Ngày Quốc tế hạnh phúc là “Yêu thương và chia sẻ”, bởi đó là nền tảng để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Vì thế, hãy yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và gia đình nhiều giây phút hạnh phúc đích thực”, bà Huyền nói thêm.
Bài và ảnh: HÀ THU