Chính trị - Xã hội
Những vấn đề cơ bản về HĐND và đại biểu HĐND
* Hội đồng nhân dân (HĐND) giữ vị trí, vai trò như thế nào ở địa phương?
HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên.
HĐND quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của HĐND.
* Nhiệm kỳ của HĐND các cấp được quy định như thế nào?
- Nhiệm kỳ của mỗi khóa HĐND là 5 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi HĐND hết nhiệm kỳ, HĐND khóa mới phải được bầu xong. Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của HĐND do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
* Cơ cấu tổ chức của HĐND được quy định như thế nào?
- HĐND có cơ quan thường trực là Thường trực HĐND. Thường trực HĐND thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND. Thành viên của Thường trực HĐND không thể đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp.
Ban của HĐND là cơ quan của HĐND, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND.
* Tổ chức của HĐND cấp tỉnh theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương có gì mới?
- So với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã có những quy định cụ thể hơn về tổ chức của HĐND ở từng cấp đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Cụ thể như sau:
Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, hai Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND và Chánh Văn phòng HĐND, Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
HĐND tỉnh thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội. Tỉnh có 2 trong 3 điều kiện, tiêu chuẩn sau đây thì HĐND tỉnh thành lập thêm Ban Dân tộc:
- Có trên 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng làng, bản;
- Có trên 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;
- Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại (theo Nghị quyết số 1130/2016/UBTVQH13 ngày 14-01-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban dân tộc của HĐND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
HĐND thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Đô thị.
Ban của HĐND cấp tỉnh gồm có Trưởng ban, không quá 2 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND do HĐND cấp tỉnh quyết định. Trưởng ban của HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
* Tổ chức của HĐND cấp huyện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương có gì mới?
- Thường trực HĐND cấp huyện gồm Chủ tịch HĐND, hai Phó Chủ tịch HĐND và các ủy viên là Trưởng ban của HĐND. Chủ tịch HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
HĐND cấp huyện thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội. Đối với huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trên 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển hoặc có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại thì HĐND được thành lập thêm Ban Dân tộc.
Ban của HĐND cấp huyện gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND do HĐND cấp huyện quyết định. Trưởng ban của HĐND có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Trưởng ban của HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
* Tổ chức của HĐND cấp xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương có gì mới?
- Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
HĐND cấp xã thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội. Ban của HĐND gồm có Trưởng ban, một Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND do HĐND cấp xã quyết định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên của các Ban của HĐND hoạt động kiêm nhiệm.
(Còn nữa)
H.A tổng hợp