Chính trị - Xã hội
Những vấn đề cơ bản về Quốc hội và đại biểu Quốc hội
* Quốc hội Việt Nam có vị trí, vai trò như thế nào trong bộ máy Nhà nước ta?
- Trong bộ máy Nhà nước ta, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
* Tại sao nói Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân?
- Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước. Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan Nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.
Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân được thể hiện ở các mặt sau đây:
- Quốc hội là cơ quan Nhà nước do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
- Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Quốc hội là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho trí tuệ của nhân dân cả nước.
- Quốc hội có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước.
* Nguyên tắc và hiệu quả hoạt động của Quốc hội nước ta như thế nào?
- Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số.
Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và hiệu quả của sự phối hợp hoạt động với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác.
* Đại biểu Quốc hội có những quyền cơ bản nào?
- Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định. Đại biểu Quốc hội được tư vấn, hỗ trợ trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội có quyền tham gia làm thành viên của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị Quốc hội làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, trưng cầu ý dân, thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết.
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự kỳ họp HĐND các cấp nơi mình được bầu, có quyền tham gia ý kiến vào các vấn đề quản lý Nhà nước, vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.
* Trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?
- Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.
* Nhiệm kỳ của Quốc hội được quy định như thế nào?
- Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 5 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.
H.A tổng hợp