Trong từng giai đoạn phát triển mới, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương kịp thời, đúng đắn trong việc nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và trong cộng đồng xã hội. Nam và nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển.
Hội thi nấu ăn do Công đoàn Khu công nghiệp-chế xuất tổ chức, tạo sân chơi cho nhiều nữ công nhân lao động. |
Có thể nói, ở bất cứ thời đại, quốc gia hay dân tộc nào, phụ nữ luôn giữ một vai trò trọng yếu trong việc sáng tạo, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Đối với Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ luôn đóng một vai trò quan trọng và có những đóng góp hết sức to lớn, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Bước sang giai đoạn hội nhập, từ những chủ trương, giải pháp kịp thời của Đảng và Nhà nước, phụ nữ Việt Nam tiếp tục vượt qua mọi thành kiến, khó khăn và thử thách, vươn lên đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội.
Phụ nữ đã có một sức ảnh hưởng rất lớn trên nhiều lĩnh vực như tham gia quản lý Nhà nước, hoạt động đối ngoại, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc… Ngày càng có nhiều chị trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động… Nhiều lĩnh vực trước đây chỉ dành cho nam giới thì nay phụ nữ cũng làm rất tốt. Trải qua nhiều đổi thay của xã hội, ngày nay, vai trò của phụ nữ ngày càng được quan tâm.
Tuy nhiên, một thực tế, không phải người phụ nữ nào sinh ra đều may mắn có một công việc ổn định, môi trường sống, điều kiện làm việc tốt và có một mái nhà hạnh phúc. Vẫn còn rất nhiều phụ nữ, đặc biệt một bộ phận nữ công nhân lao động (CNLĐ) ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hầu như không biết đến các hoạt động vui chơi, giải trí.
Áp lực về thời gian, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đã khiến các chị rơi vào tình trạng “đói” văn hóa, không ít phụ nữ rơi vào trầm cảm, buông xuôi, thụ động. Chính vì vậy, phụ nữ cần có những “sân chơi” mà ở đó các chị có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ làm việc, giải tỏa những bế tắc, những áp lực mà các chị gặp phải trong công việc hay trong cuộc sống gia đình.
Chị Lan, công nhân của một công ty sản xuất giày da chia sẻ: “Tôi làm việc ở công ty gần 20 năm, ở đây có gần 3.000 công nhân nữ, cứ sáng đến công ty, 18 -19 giờ mới về đến nhà, rồi lại lao vào lo cơm nước, con cái xong cũng đã khuya, mệt lả lăn ra ngủ, làm gì có điều kiện tham gia hoạt động vui chơi, giải trí sau giờ làm việc. Được ngày chủ nhật, mệt lả còn đi đâu được.
CNLĐ như chúng tôi làm gì biết “giải trí”, riết rồi cũng quen. Nhìn tui còn đỡ, có chị mới 30 tuổi mà nhìn già lắm, có được đi giao lưu, giải trí đâu mà sửa soạn”. Chị Tâm làm việc ở Khu công nghiệp Hòa Khánh cũng cho biết: “Ngày Quốc tế Phụ nữ, công ty tăng ca, tối mịt mới về, chị em cứ nói miệng chúc nhau ngày 8-3, nhiều lúc cũng thèm lắm có hoạt động hát hò, nhảy múa gì cho khuây khỏa. Lâu nay bọn em cứ quanh quẩn ở công ty, phòng trọ và chỉ giải trí qua ti-vi thôi, chán lắm, nhưng biết làm sao”...
Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng, lực lượng nữ CNVCLĐ chiếm 63,26%/tổng số 125.433 CNVCLĐ, trong đó 6 KCN thu hút trên 70.000 CNLĐ với gần 80% là lao động nữ. Để nâng đời sống tinh thần, tạo điều kiện cho CNLĐ, đặc biệt là lao động nữ ở khu vực này có những “sân chơi” sau giờ làm việc, nhiều năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn chủ động phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, công an và đoàn thể cùng cấp thành lập các Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ để CNLĐ có điều kiện sinh hoạt với nhau; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao...
Trung tâm Văn hóa công nhân cũng được LĐLĐ thành phố tranh thủ từ nhiều nguồn kinh phí xây dựng trong khu công nghiệp với diện tích trên 4.000m2, có sân bóng đá, bóng chuyền, hội trường với sức chứa trên 300 người, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu giao lưu, vui chơi, thụ hưởng văn hóa CNLĐ ở tại các khu công nghiệp, chế xuất.
Phụ nữ, cho dù các chị là ai đi chăng nữa, có điều kiện thành công hay không thành công, họ cũng không thể tách rời với thực tế gia đình và xã hội, bởi cũng ở hai môi trường này, phụ nữ mới thể hiện, thực hiện được những khả năng, thiên chức của mình, duy trì và phát triển được nguồn lực tương lai cho đất nước.
Vì vậy, rất cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của thành phố, của DN và toàn xã hội cùng với tổ chức Công đoàn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí cho CNLĐ tại khuôn viên công ty, tại các khu vực có đông CNLĐ sống tập trung. Cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, y tế, giáo dục, văn hóa tinh thần cho nữ CNLĐ là đòi hỏi của toàn xã hội trong cuộc sống ngày nay.
Bài và ảnh: MINH TUẤN