Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Thanh Khê lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020, Quận ủy Thanh Khê cụ thể hóa bằng chương trình hành động gắn liền với ban hành, triển khai 3 đề án lớn từ đầu năm 2016. Trong đó, Đảng bộ địa phương coi trọng đề án phát triển dịch vụ vì nếu đạt hiệu quả cao sẽ mang lại cú hích lớn để phát triển kinh tế, tạo chuyển biến lớn về đô thị từ nay đến năm 2020 và cả giai đoạn 2020-2030.
Big C Đà Nẵng, một trong những trung tâm mua sắm lớn, hiện đại trên địa bàn quận Thanh Khê. |
Chọn dịch vụ làm ngành mũi nhọn
Quận Thanh Khê hiện đang trong tình trạng “đất chật, người đông”, do vậy, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất là yêu cầu bức thiết, đòi hỏi Đảng bộ quận phải đề ra những giải pháp phù hợp để chăm lo đời sống nhân dân, phát triển đô thị hiện đại, văn minh.
Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Văn Tĩnh, nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa kinh tế nên giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dịch vụ đạt gần 9%. Trong đó, tổng mức luân chuyển hàng hóa, dịch vụ bán ra hằng năm khoảng 18.000 tỷ đồng. Cơ cấu ngành dịch vụ tăng từ 54,7% năm 2010 lên 60,49% năm 2015, đóng góp vào tăng trưởng ngành dịch vụ của thành phố.
Điểm nổi bật là các ngành dịch vụ chất lượng cao như: tài chính, ngân hàng, điện tử, hàng gia dụng, y tế, vận tải, du lịch, thực phẩm... phát triển nhanh trên các tuyến đường lớn như: Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Tri Phương, Hàm Nghi, Trần Cao Vân, Nguyễn Tất Thành...
Ngoài ra, 3 trung tâm mua sắm lớn là siêu thị Big C, trung tâm mua sắm Parksons và siêu thị Coop-mart; các trung tâm điện máy như: Nguyễn Kim, Viettronimex, Đệ Nhất Phan Khang, cùng hàng trăm cửa hàng bán lẻ khác đang hoạt động hiệu quả, đóng góp đáng kể vào việc phát triển kinh tế quận, tạo việc làm cho người lao động và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, lựa chọn của người dân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tĩnh trăn trở, nhìn ở bình diện chung, phát triển kinh tế của Thanh Khê vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra, sức cạnh tranh và hiệu quả trên một số lĩnh vực còn thấp.
Do vậy, phát triển dịch vụ tăng trưởng bền vững, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, người dân là mục tiêu quan trọng để địa phương đưa ra các giải pháp mới, hiệu quả trong giai đoạn 5 năm tới. Quận Thanh Khê phấn đấu năm 2020, ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm khoảng 70% tỷ trọng kinh tế địa phương.
Phát triển nhiều phố chuyên doanh hiện đại
Từ nền tảng hạ tầng và lợi thế các sản phẩm dịch vụ vốn có, trong năm 2016, quận Thanh Khê xây dựng các tuyến phố chuyên doanh theo hướng văn minh, hiện đại. Ngoài phố chuyên doanh thời trang đường Lê Duẩn (đoạn từ Ông Ích Khiêm đến ngã ba Cai Lang), địa phương tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện phố chuyên doanh điện tử, kỹ thuật số đường Hàm Nghi; phố chuyên doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, dịch vụ tắm biển đường Nguyễn Tất Thành; phố cơm niêu đường Nguyễn Tri Phương (đoạn từ Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Văn Linh); mở rộng phố chuyên doanh các loại hoa, cây cảnh trên vỉa hè đường Nguyễn Đình Tựu.
Song song đó, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp phát huy nguồn lực, chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tập trung đầu tư sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường, các mặt hàng đang có ưu thế, tạo nhiều sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng.
Đi liền đó, địa phương vận động, khuyến khích ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, duy trì, phát triển đội tàu khai thác và tàu dịch vụ xa bờ, phát triển lực lượng lao động có tay nghề, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, phấn đấu nâng sản lượng, giá trị đánh bắt hải sản tăng bình quân 7% - 8%/năm.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh cho hay, để góp phần xây dựng Thanh Khê trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ phát triển, địa phương kêu gọi xã hội hóa từ 1 đến 2 chợ truyền thống theo hướng văn minh thương mại; nâng hạng chợ Quán Hộ và chợ Thanh Khê 1 từ chợ hạng 3 lên chợ hạng 2; xây mới, đầu tư, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các chợ truyền thống đã xuống cấp. “Mục tiêu lớn nhất cũng là thước đo năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Do vậy, từ đề án phát triển dịch vụ, UBND quận sẽ có những điều chỉnh phù hợp, đồng thời lắng nghe phản hồi từ doanh nghiệp và người dân để xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai đề án. Có như vậy, nghị quyết của Đảng mới thực sự mang lại niềm tin, động lực mới để phát triển”, ông Nguyễn Văn Tĩnh khẳng định.
Bài và ảnh: VIỆT DŨNG