.

Phép màu yêu thương

.

Sự nỗ lực của mẹ cha cùng lòng tận tâm của các “thầy cô” đã tạo nên phép màu diệu kỳ - phép màu của yêu thương - giúp nhiều trẻ thơ hạn chế vận động “vượt sóng” thành công…

Nhiều năm qua, Phòng Vận động trị liệu nhi ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đã trở thành lớp học đặc biệt, là thế giới riêng của nhiều trẻ bị hạn chế vận động. 								     Ảnh: TRÂM ANH
Nhiều năm qua, Phòng Vận động trị liệu nhi ở Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đã trở thành lớp học đặc biệt, là thế giới riêng của nhiều trẻ bị hạn chế vận động. Ảnh: TRÂM ANH

Một buổi chiều tháng 3, trong căn phòng nhỏ ở tầng 5 Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, có hàng chục phụ huynh bệnh nhi đang ngồi chờ con “đi học”.

Lớp học đặc biệt

Lớp học của các con không có sách vở, cũng chẳng tồn tại phấn trắng, bảng đen hay bàn ghế thẳng tắp. Lớp học của các con đầy ắp dụng cụ hỗ trợ chỉnh hình phù hợp với từng thể trạng “học sinh”. Giáo viên của các con không phải là những nhà giáo mẫu mực mà là các kỹ thuật viên vật lý trị liệu (gọi tắt là KTV) đầy kiên nhẫn. Giáo án dành cho các con đong đầy sự nỗ lực, tận tâm bên cạnh những kiến thức chuyên môn của “người thầy”. Mỗi tiết học của riêng từng con kéo dài vỏn vẹn trong 20 phút nhưng mỗi giây khắc đều là sự đấu tranh quyết liệt với nỗi đau và nước mắt.

Tôi gọi nơi đây là “lớp học đặc biệt”, là thế giới riêng của nhiều trẻ thơ chậm đi, chậm nói đang trong quá trình “vượt sóng”.

Cũng như bao buổi học khác, lớp học hôm ấy trộn lẫn vô số âm thanh. Lời động viên trẻ thơ của các KTV đều đặn vang lên dịu nhẹ, như thủ thỉ, như thầm thì. Thảng hoặc, xen lẫn đâu đó là tiếng khóc nức nở, là chuỗi cười trong trẻo của trẻ, là giọng mẹ ngọt ngào dỗ dành. Tất cả tạo nên một bức tranh yêu thương đa sắc.

Bé H.P.Bảo (SN 2014) đang được anh Đoàn Đình Chí, KTV khoa Phục hồi chức năng, tập bài tập về chân, giàn giụa nước mắt. Người mẹ của em miệt mài dùng khăn lau nước mắt cho con nhưng không hé một lời, chỉ có ánh nhìn chan chứa yêu thương.

Cạnh bên, cậu bé Bom đang bước đi chập chững theo lời của KTV Nguyễn Thị Anh (SN 1990). “Bom, bước về phía mẹ nào”. “Bom, đi lại chỗ cô nào”. “Bom đi đi”. “Bom cố lên”. “Bom giỏi quá!”. Cứ thế, trong tiếng hô đều đều của “cô giáo”, trong nụ cười ngân ngấn của mẹ, cậu bé một tuổi chậm chạp nhích từng bước một. Nhìn con trai, chị Nguyễn Thị Yến T. (SN 1973) nghèn nghẹn: “Hồi đó, Bom có chút xíu, quặt quẹo mà giờ biết đi rồi…”.

Giữa chừng buổi học, cả lớp bỗng xôn xao, rộn ràng hẳn vì sự có mặt của cậu bé Kin (39 tháng tuổi). Vừa được mẹ đặt xuống trước cửa, Kin vội vàng bước đi trong tiếng reo hồ hởi của các bà mẹ khác. Chị Nguyễn Thị Thu Th. (SN 1978, mẹ của Kin) cười rạng rỡ, vừa lắc đầu vừa khoe: “Từ ngày biết đi là ảnh đi miết, thả ra là đi, tối khuya cũng đòi đi, vợ chồng tui chạy theo ảnh không kịp luôn…”.

Thường trực nụ cười tươi tắn trên gương mặt, cậu bé Kin vừa có mặt trong “lớp học” liền tất bật với những “trò chơi” tập đi. Hết chơi với bóng, thấy bạn khác đang được “thầy” Chí tập đi, cậu lại vội vàng đẩy xe song hành cùng. Lớp học nhờ có cậu mà rộn rã hơn hẳn.

Giữa không gian đa thanh, len lỏi có cả sắc tĩnh của một cặp cha con. Trong suốt buổi chiều hôm ấy và cả những buổi chiều khác khi tôi quay trở lại, bao giờ cũng bắt gặp hình ảnh anh Trần Đức Th. (ngụ xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) lặng lẽ, miệt mài tập cho con trai là Trần Đức Ch. (SN 2005) từ bài học này sang bài học khác.

Di chứng của căn bệnh viêm màng mão khiến chân tay Ch. co rút, cứng ngắc, rối loạn ý thức. Bỏ hết công việc đồng áng ở quê, vợ chồng anh gửi hai con nhỏ nhờ ông bà chăm sóc, dành toàn bộ thời gian đồng hành với cậu con trai đầu trong hơn một năm qua.

KTV Đoàn Đình Chí cho biết, ngày hai buổi, bao giờ anh Th. cũng là người đưa con đến “lớp” sớm nhất và ra về trễ nhất. Cạnh Phòng Vận động trị liệu nhi, có một căn phòng khác cũng đặc biệt không kém, đó là Phòng Ngôn ngữ trị liệu nhi. Cậu bé Bom sau khi hoàn thành tiết học đi liền được mẹ dẫn sang căn phòng ấy, trao cho “cô giáo” Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1989). Không nhiều âm thanh như lớp học đi, không gian trong lớp học nói luôn là tiếng độc thoại đầy kiên nhẫn của “cô giáo”.

Trong khoảng nửa tiếng tham gia lớp học nói, cậu bé Bom được chơi nhiều trò chơi khác nhau. Song song đó là những từ đơn được cô giáo đều đặn lặp đi lặp lại. “Bom”. “Xin”. “Cho”. “Bỏ”. “Đẩy”. “Vào”. “Lấy”. “Bông”. “Đóng”. “Mở”. Cùng với hiệu lệnh của cô là hành động phối hợp vô cùng nhịp nhàng của cậu học trò nhỏ. Nghe cô bảo “xin”, Bom liền xòe tay. Cô nói “cho”, Bom nhanh nhẹn đưa đồ chơi. Khi cô hô “Yeah”, Bom hiểu ý lấy bàn tay mình đập vào bàn tay của cô.

Trong Phòng Ngôn ngữ trị liệu nhi - Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hương Giang đang tập nói cho trẻ.
Trong Phòng Ngôn ngữ trị liệu nhi - Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, kỹ thuật viên Nguyễn Thị Hương Giang đang tập nói cho trẻ.

“Vượt sóng” cùng con

Mỗi ngày, các phụ huynh đều có mặt ở đây cùng con nên dần dần họ trở thành thân thiết. Cùng chung nỗi niềm có con bị hạn chế vận động, họ chia sẻ với nhau câu chuyện về hoàn cảnh gia đình, về kinh nghiệm nuôi dạy, chăm sóc trẻ. Họ tâm sự với nhau về những ngày chăm con hoặc quãng thời gian cạn kiệt sức lực, chỉ muốn bỏ cuộc. Họ lại khoe với nhau về những thành tích mà các con làm được để cùng cười, cùng vui…

Cũng chính vì thế, những câu chuyện ở “lớp học đặc biệt” này chưa bao giờ dừng lại. Câu chuyện của mẹ bé Bảo là hành trình vượt đường xa từ Quảng Trị vào Đà Nẵng đồng hành với con, sau khi phát hiện núm ruột yêu thương của mình đứng nhón chân, đi là té.

Câu chuyện của chị Th., mẹ bé Kin, là gần 1.500 ngày rong ruổi cùng con từ bệnh viện này sang bệnh viện khác trong niềm hy vọng tìm lại cuộc sống bình thường cho con. Câu chuyện của chị T., mẹ bé Bom, là phép màu sau sự tuyệt vọng khi chị tưởng chừng con thơ không còn lối đi khác…

Không ngại ngần, chẳng mặc cảm, khi người viết đặt câu hỏi, các bà mẹ đều sẵn sàng chia sẻ về hoàn cảnh của mình. Mẹ bé Kin vui vẻ mở lời: “Tui có hai đứa con trai, Kin là cháu sau. Ngay từ lúc sinh ra, Kin đã bị vàng da nên phải cấy tủy, thay máu. Di chứng căn bệnh này khiến cháu sau đó lười vận động, chỉ nằm im như cục bột. Ban đầu, vợ chồng tôi khóc miết nhưng sau đó ngay lập tức đưa con đi khám hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, từ bệnh viện này sang bệnh viện khác. Hơn một năm kiên trì, cháu đã lấy được thăng bằng. Còn bây giờ, cháu đi như chạy, dù té mãi nhưng rất thích đi…”.

Mẹ của Bom rưng rưng: “Bom là con thứ 3 của vợ chồng tôi. Khi 12 tháng, con vẫn chưa chịu lật, chịu bò, chân tay co quắp. Tôi đưa con đi khám thì mới phát hiện cháu bị suy dinh dưỡng bào thai, chậm vận động…”. Chị đưa tay quệt vội dòng nước mắt, rồi cười mếu máo: “Hồi mới đưa Bom vào đây, chẳng có cô nào dám tập cho Bom vì con nhỏ xíu xiu, ốm quặt quẹo. Thời gian đầu, các cô chỉ dám massage cho con để làm quen thôi. Rứa mà bây giờ cháu đã chập chững đi rồi. Tôi cứ ngỡ phép màu nào đó đang xảy ra…”.

Mặc dù lớn tuổi nhất trong số các bệnh nhi nhưng Hồ Phước Nh. (SN 2002) lại là “học trò” mới của lớp. Vừa xoa nắn chân cho con, chị Nguyễn Thị L. (54 tuổi, ngụ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vừa hồ hởi khoe: “Cháu là con út, trên cháu còn hai người chị nữa. Cháu học giỏi lắm, năm lớp 5 đoạt giải nhất môn Toán trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh…”.

Tương lai tươi sáng của Nh. bất ngờ khép lại bởi căn bệnh viêm não mô cầu. Từ cậu học trò lanh lợi, giờ đây, Nh. phải thở máy, ăn bằng ống thông dạ dày và mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ. Anh Hồ Phước Th. (58 tuổi), cha của Nh., chia sẻ: “Vợ chồng tui đóng cửa, bỏ nhà đi chăm con gần 2 năm rồi. Trước đó, cháu điều trị ở một bệnh viện khác…”.

Những trái tim yêu

Trong hành trình “vượt sóng” cùng con, cũng có lúc họ từng muốn bỏ cuộc. Mỗi khi như vậy, các KTV luôn kiên trì tiếp lửa cho họ. KTV Đoàn Đình Chí tâm tư: “Trong quá trình điều trị cho trẻ, các KTV còn áp dụng tâm lý trị liệu đối với phụ huynh của trẻ. Chúng tôi thường xuyên động viên người nhà, khuyên họ nên nghĩ về ngày mai. Chúng tôi nhen lên niềm hy vọng bằng cách giới thiệu những đứa trẻ đã thành công sau thời gian dài bền bỉ trị liệu…”.

Đoạn đường “vượt sóng” của trẻ còn có dấu ấn đậm nét của những trái tim yêu khác - các “thầy cô” KTV. Chị Nguyễn Thị Mỹ Trang (SN 1981), nhóm trưởng nhóm Phòng nhi - khoa Phục hồi chức năng, tâm tình: “Mỗi trẻ luôn là một KTV điều trị riêng.

Trước khi bắt đầu tập luyện cho trẻ, bao giờ KTV cũng cần một quãng thời gian làm quen với trẻ, để trẻ yêu thích mình. Mỗi đứa trẻ là một tình trạng, mỗi đứa trẻ là một tính cách. Vì thế, chúng tôi luôn dành nhiều tâm sức để quan tâm đến sở thích, tâm lý riêng của trẻ, từ đó có những cách dụ dỗ trẻ khác nhau để làm sao trẻ phối hợp cùng. Công việc này luôn đòi hỏi sự nhẫn nại mỗi ngày, yêu thương mỗi ngày…”.

Cứ thế, ngày qua ngày, sự nỗ lực của mẹ cha cùng lòng tận tâm của các “thầy cô” đã tạo nên phép màu diệu kỳ - phép màu của yêu thương - giúp nhiều trẻ thơ hạn chế vận động “vượt sóng” thành công, tạo nên bao nụ cười tròn trịa hơn, vững chãi hơn…

Gần 12 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Mỹ Trang (SN 1981), nhóm trưởng nhóm Phòng nhi - khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng, chứng kiến nhiều phép màu yêu thương hơn thế, trong những trường hợp được điều trị thành công nhờ tấm lòng của ông bà. Đó là bé H.Tr. đến 2 tuổi vẫn chưa biết lật, sức khỏe vô cùng yếu.

Cha mẹ bé Tr. làm việc ở cơ quan Nhà nước, không có thời gian đưa con đến “lớp”. Thương cháu, ông nội của bé đã dành trọn tuổi xế chiều để đồng hành với Tr. Sau hơn 4 năm kiên trì điều trị, đến nay, Tr. đã hòa nhập cộng đồng tốt, chức năng sinh hoạt độc lập và vừa bước chân vào lớp 1.

Đó còn là bé Rubi, bị dị tật do mẹ nhiễm rubella trong quá trình mang thai. Cha mẹ của bé mới 18 tuổi, không đủ kiên nhẫn để bước cùng con trong cuộc đua giành lại số phận. “Vượt sóng” cùng bé Rubi trong hơn 2 năm qua là bà nội của bé.

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.