Sáng 26-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng Ba để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trong tháng và ba tháng đầu năm 2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về các biện pháp giảm thiểu thiệt hại từ hạn hán, xâm nhập mặn và việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân và duy trì tăng trưởng nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến đặc thù của Phiên họp lần này với ý nghĩa là Phiên họp Chính phủ cuối cùng của nhiều thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ này bởi sang Phiên họp Chính phủ vào tháng Tư tới sẽ có 20/27 thành viên không còn tham gia Chính phủ theo sự phân công và điều động của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương hoặc nghỉ chế độ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị với tinh thần và trách nhiệm được giao, các thành viên Chính phủ sẽ làm việc hết sức mình để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, điều hành thường xuyên của Chính phủ.
Mạnh tay trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Báo cáo về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Công thương để tập trung xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực này.
Nhờ đó, liên bộ đã chặn đứng nguồn cung cấp chất cấm salbutamol từ bên ngoài, chỉ còn một số hành vi lén lút do tư nhân tuồn thuốc vào một số trang trại, lò mổ. Bộ chủ trương thực hiện các biện pháp hết sức kiên quyết trong xử lý vi phạm, chỉ cần phát hiện một mẫu thịt lợn có chứa chất cấm tại trại chăn nuôi sẽ tiến hành tiêu hủy toàn bộ cả đàn và từ 1-7 sẽ tiến hành xử lý hình sự các trường hợp vi phạm.
Nêu ý kiến với Chính phủ về nội dung này, lo lắng trước tình trạng người dân vẫn phải dùng thức ăn không đảm bảo vệ sinh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đề xuất cho Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm thành lập cơ quan chuyên trách làm đầu mối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn và đề nghị Chính phủ có biện pháp tăng cường chế tài xử phạt hành vi vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; cho phép sử dụng tiền phạt vi phạm để lấy nguồn tái đầu tư; đồng thời quy trách nhiệm cụ thể cá nhân, tổ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Trao đổi thêm về các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trách nhiệm của các bộ về vấn đề này là khá rõ ràng; cần khắc phục tình trạng đổ lỗi giữa các bộ, ngành nếu công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không đạt yêu cầu.
Đồng tình với đề xuất của Thành phố Hồ Chí Minh về việc thành lập cơ quan chuyên trách, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết thêm, trách nhiệm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thuộc về Chủ tịch UBND thành phố và UBND thành phố.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm về mặt hành chính ở mức cao nhất nếu phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí có thể rút giấy phép hoạt động. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ liên quan cần kiểm điểm sâu sắc trách nhiệm các cá nhân, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ này.
“Không thể đổ cho người dân trách nhiệm phân biệt thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch. Có như vậy mới thể có được lòng tin từ nhân dân và quan trọng hơn là phải có biện pháp tuyên truyền rộng rãi, phù hợp nhằm vận động toàn xã hội nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề này, đấu tranh với những hành vi làm hại sức khỏe con người”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Kéo dài gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đến hết năm 2016
Thông tin về gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà thu nhập thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại đã tiến hành ký kết các hợp đồng tổng giá trị 29.600 tỷ (đạt 99%); đã giải ngân được 21.000 tỷ đồng trên thực tế (71%).
Theo quy định, đến thời điểm 1/6/2016 sẽ kết thúc chương trình này. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của người dân và tiếp tục triển khai chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài gói hỗ trợ 30.000 tỷ này cho đến hết năm 2016 để đảm bảo giải ngân đạt 100%.
Về những biện pháp tín dụng tiếp theo, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay, trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội có một chương trình khá phù hợp với hình thức gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trên và có thể nâng cấp lên thành chương trình quốc gia sau khi được Chính phủ phê duyệt.
Báo cáo về tiến trình xây dựng dự án Luật Biểu tình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Bộ Công an đề nghị rút dự án luật này ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và sẽ trình Quốc hội vào một thời điểm thích hợp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị lùi dự án luật này từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, thông qua tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV để phù hợp với yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến đặc thù của Phiên họp lần này với ý nghĩa là Phiên họp Chính phủ cuối cùng của nhiều thành viên Chính phủ trong nhiệm kỳ này |
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, tổng thể tình hình kinh tế-xã hội của đất nước thời gian qua tiếp tục chuyển biến tốt trên mọi lĩnh vực, nhưng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn phức tạp mới nảy sinh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các thành viên Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương phát huy hơn nữa những mặt tích cực, thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời ra sức khắc phục hạn chế yếu kém để vượt qua khó khăn.
Thủ tướng chỉ rõ, trong lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện ngập mặn gây thiệt hại về trồng trọt, sản xuất lúa nhưng lại làm tăng năng suất trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các bộ, ngành địa phương cần nhìn nhận rõ vấn đề này để tận dụng một mặt vừa hỗ trợ trồng trọt, mặt khác, đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất đang có năng suất cao, cải thiện đời sống cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ bám sát tình hình theo từng lĩnh vực được phụ trách để ứng phó phù hợp, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh cả trong cấp bách và lâu dài; phấn đấu đạt thành tích tốt trong năm đầu triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra, nhất là tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016.
Đi vào các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, sau Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Khóa XIII, có nhiều thay đổi về nhân sự, Chính phủ cần sớm ổn định về tổ chức, thực hiện tốt công tác bàn giao, nhận nhiệm vụ; tiếp tục đoàn kết, chung sức, nhất trí, đồng lòng, bám sát Nghị quyết của Đảng; phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Chính phủ cần hết sức chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cả trong công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đây cũng là nhiệm vụ trung tâm của Chính phủ trong thời gian này.
“Khai thác tốt đà tăng mạnh của du lịch dịch vụ, vốn đầu tư nước ngoài; tận dụng tốt sự tăng trưởng tổng đầu tư xã hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gợi ý.
Thủ tướng cũng mong muốn các thành viên Chính phủ thực hiện đồng bộ giải pháp cả trước mắt và lâu dài ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; đẩy nhanh công tác hỗ trợ các vùng miền bị thiệt hại do thiên tai với tinh thần không để dân đói, dân khát nhưng phải đúng địa chỉ và đối tượng. Song song với đó, có biện pháp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp, giảm thiểu khó khăn cho nhân dân đi đôi với mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương nắm bắt tốt tình hình, chống hành vi chuyển giá gây thất thu ngân sách; thực hành triệt để việc tiết kiệm chi để đảm bảo cân đối ngân sách. Làm tốt hơn nữa nhiệm vụ cải cách hành chính; nâng cao phẩm chất đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân.
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ ngày 26-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian để phát biểu về “cá nhân tôi”.
Thủ tướng nói: "Ngày 6-4 tới đây - nghĩa là còn mấy ngày nữa - thì Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho tôi thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ để nghỉ chính sách. Như vậy là tôi có 9 năm 10 tháng làm Thủ tướng Chính phủ, là Phó Thủ tướng hai nhiệm kỳ.
Phiên họp Chính phủ tới đây (tháng 4-2016) tôi và 19 đồng chí thành viên Chính phủ (khóa XIII) sẽ không tham dự họp với tư cách thành viên Chính phủ nữa. Trước hết, tôi có lời chân thành cảm ơn các đồng chí thành viên Chính phủ, các đồng chí thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đã tạo mọi điều kiện để tôi thực hiện nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.
Chúng ta đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng trong suốt 10 năm qua, bên cạnh thuận lợi có khó khăn, thách thức. Về đánh giá thì Đảng, Nhà nước đã đánh giá rồi, việc Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm, dành tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao đối với tôi, đó là đánh giá nỗ lực của tập thể Chính phủ chúng ta".
Trong phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nói: "Chân thành cảm ơn các đồng chí Văn phòng Chính phủ suốt gần 20 năm đã phục vụ, tạo điều kiện cho tôi thực hiện nhiệm vụ. Cảm ơn các đồng chí chuyên gia tư vấn. Đồng chí Trương Đình Tuyển có nói với tôi hôm nay nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII chưa phải kết thúc, nhưng đồng chí cũng xin thôi hoạt động của tổ tư vấn gồm 12 chuyên gia".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tiếp: "Chúc mừng các đồng chí thành viên Chính phủ tiếp tục nhiệm vụ, một số đồng chí được giao trọng trách nặng nề hơn. Mong các đồng chí tiếp tục phát huy, làm thật tốt, hoàn thành trọng trách cao cả Đảng và Nhà nước giao.
Đồng thời chúc mừng 15 đồng chí thành viên Chính phủ được nghỉ chính sách (trong đó có chúc cá nhân tôi), ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, tiếp tục làm người tử tế , mỗi đồng chí tùy theo hoàn cảnh mà đóng góp sức mình cho Đảng, cho dân".
BT