13 lò giết mổ gia súc nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư trên địa bàn huyện Hòa Vang bị cấm tới, cấm lui, nhưng đến nay… vẫn hoạt động. Môi trường vệ sinh ô nhiễm trầm trọng, chất lượng thịt không được kiểm soát, người làm công việc giết mổ nơm nớp sợ bị phạt; còn lời hứa về một cơ sở tập trung cho các hộ này được hoạt động đường đường chính chính vẫn “treo” lơ lửng.
Thịt heo nằm vương vãi khắp sàn nhà, nhầy nhụa nước xen lẫn với tiết heo. |
Bẩn từ ngoài vào trong
Có mặt tại các điểm mổ heo nằm xen lẫn trong khu dân cư tại xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) từ sáng sớm tinh mơ, “dấu hiệu” giúp chúng tôi dễ dàng nhận ra các lò giết mổ là những… bãi phân gia súc vương vãi khắp lối vào. Các hộ này không còn mổ heo ngay trong sân nhà mình mà… thuê hoặc sử dụng một mảnh đất gần nhà để xây dựng thành điểm giết mổ.
Tại điểm giết mổ của ông K., thôn An Ngãi Tây, 3 lao động đang làm việc. Trên nền nhà rộng khoảng 12m2 là vô số nội tạng heo gồm lòng, gan, tim cật… và một ít mỡ nằm lăn lóc. Trên nền nhà, nước lênh láng hòa lẫn với máu, lông heo, các vật dụng phục vụ việc giết mổ.
Một người phụ nữ đang phân loại nội tạng heo ở đây cho biết, sau khi được rửa qua bằng nước, số nội tạng này sẽ được nhập cho các đầu mối tại các chợ và một số quán ăn. Ở khu vực bên cạnh, nam thanh niên dùng tay kéo những chiếc đầu heo trên nền nhà, vừa được luộc qua bằng nước sôi. Nước từ chiếc nồi luộc heo được đổ thẳng xuống sàn, tràn qua khu vực làm nội tạng và chảy thẳng đến chiếc cống dẫn ra phía ao.
Cách một bức tường cao hơn 1m ngăn cách là chiếc bàn dùng để phân loại thịt, xương heo sau khi giết mổ. Trên nền nhà ẩm ướt, thịt, xương vụn vương vãi khắp nơi, trở thành thức ăn cho đàn gà, chim bồ câu đang chạy loạn xạ, thi nhau xé, rỉa.
Người của lò mổ này cho hay, mỗi ngày nơi này mổ 3 - 4 con heo. Thế nhưng, qua ghi nhận của chúng tôi, dù một lượng thịt khá lớn đã được chuyển ra chợ thì nơi đây vẫn còn lại gần 10 chiếc đầu heo xếp lớp và ở khu vực bên hông khu giết mổ, hơn 20 con heo đang nằm la liệt.
Nếu lò mổ trên 200m2 này được bao bọc bởi khu vực ao cá rộng 10.000m2 và toàn bộ nước thải được đổ trực tiếp ra ao theo mô hình vườn-ao-chuồng, thì cách đó không xa, lò của ông H. càng dễ được phát hiện khi nằm ngay phía mặt sau của cửa hàng kinh doanh đồ thể thao và bên cạnh là một cơ quan Nhà nước. Khi chúng tôi tới, ông H. đang cọ rửa những chiếc giỏ nhựa cáu bẩn.
Nước rửa đục ngầu, hôi thối chảy thẳng ra mặt đường nhựa. Quy mô lò mổ của ông H. không lớn bằng lò của ông K. Tuy nhiên, với những vật dụng đơn giản như một chiếc bàn gỗ cũ và ít đồ dùng giết mổ, mỗi ngày nơi này cũng cho ra chợ 4 con heo… chưa được kiểm dịch thú y.
Bên trong một lò mổ heo là ngổn ngang đồ đạc cũ sơ sài, dơ bẩn. |
Không có dấu kiểm dịch!
Không chỉ “bảo đảm”… “4 không”: không bảo đảm vệ sinh thú y; không giết mổ đúng nơi quy định; không vận chuyển bằng xe chuyên dùng; không có cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn, các lò mổ này còn “đạt” thêm một “không” nữa rất đáng ngại, là thịt không có dấu lăn của lực lượng kiểm soát.
Ngoài 8 điểm giết mổ tập trung, Đà Nẵng còn 13 điểm giết mổ nhỏ lẻ như trên ở các xã cánh tây huyện Hòa Vang gồm: Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc. Trước đây, trong khi còn chờ hướng giải quyết cho các lò mổ nhỏ lẻ này, Chi cục Chăn nuôi và thú y thành phố cử hai cán bộ chuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng thịt được xuất ra từ nơi đây, để mỗi đêm… chạy vòng vòng hết lò này đến lò khác lăn dấu lên thịt.
Ngày 1-1-2016, thành phố có lệnh dừng hoạt động các lò mổ trên, nhưng do cận Tết nên các hộ xin gia hạn hoạt động thêm một thời gian ngắn nữa. Cơ quan chức năng thành phố đồng ý cho “dây dưa” đến ngày 28-2-2016, nghĩa là qua thời gian đó, các lò giết mổ hết thời gian gia hạn và chính thức đóng cửa, hai cán bộ thú y cũng được “rút về”. Thế nhưng, đến nay, các lò này vẫn đang hoạt động nên thịt heo ở đây được bán ra thị trường mà không hề có dấu kiểm soát là chuyện… đương nhiên.
Vừa chở mớ thịt heo chất lổn ngổn trong sọt mang ra chợ bán, ông K. mặt mũi, chân tay lấm lem vết máu nói: “Mổ ở đây rồi mang ra chợ Hòa Sơn bán. Bạn hàng đều là người quen biết nên thấy thịt không dấu họ cũng không lo chi. Có điều họ (bạn hàng của ông K. - PV) không thể bỏ mối cho các cửa hàng thịt ở chợ Hòa Khánh vì sợ bị phạt buôn bán thịt chưa qua kiểm soát. Tôi và những người kinh doanh thịt đâu có muốn làm ăn kiểu ni. Mình muốn làm ăn lớn hơn cũng sợ, bạn hàng của mình họ cũng nơm nớp sợ. Mà không giết mổ trong khu dân cư thì làm ở đâu khi chưa có điểm tập trung? Tôi nghe nói sẽ có điểm giết mổ tập trung, gom 13 hộ làm nghề như chúng tôi lại, nhưng nghe lâu rồi mà chưa thấy làm. Nếu Nhà nước đầu tư đất, các hộ phải bỏ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thì tụi tôi làm ăn nhỏ lẻ lấy tiền đâu tham gia. Nếu vô Đà Sơn (Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng-PV) thì tôi đâu có “vé” (hết chỗ thuê - PV). Hơn nữa, mình chỉ có vài ba con heo, không lẽ chở xuống tận đó, cách nhà hơn 10km rồi cắt cử người đêm hôm xuống trông chừng heo thì bất tiện quá”.
Ông H. cũng chung tâm trạng: “Giết mổ lén lút kiểu ni khổ quá, cứ bị kiểm tra, xử phạt miết, mỗi lần “dính” là 5 triệu đồng chớ ít mô. Dân quanh đây họ phàn nàn lắm, hôi chịu không nổi. Nói thiệt, tôi có cố gắng mấy cũng không hết hôi được”.
Kéo dài, không dứt điểm Trước năm 2005, Đà Nẵng có 239 điểm giết mổ rải rác ở tất cả các phường, xã, kiệt, hẻm. Năm 2006, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 12 về việc nghiêm cấm chăn nuôi, giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm sống trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và một số phường thuộc các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Năm 2012, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục ban hành Quyết định 15 quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố. Lộ trình trong 2 năm, các hộ kinh doanh lĩnh vực này có thời gian đình chỉ, sắp xếp, nâng cấp bảo đảm hoạt động theo đúng quy định. Kể từ đó, Đà Nẵng thành lập 8 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gồm 1 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã và 3 lò tư nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 22 điểm giết mổ nhỏ lẻ ở địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Đến nay, các điểm nhỏ lẻ ở quận Ngũ Hành Sơn đã được giải quyết, chuyển hướng giết mổ tập trung tại xã Hòa Phước và phường Hòa Thọ Tây, riêng 13 điểm giết mổ nhỏ lẻ ở huyện Hòa Vang vẫn còn trong thế… bế tắc. |
Ai chậm trễ? Ông Trần Tới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng cho biết, mỗi lò giết mổ nhỏ lẻ tại Hòa Vang cung cấp thịt heo cho 3-4 hộ kinh doanh. Thế nên, từ 13 lò mổ này sẽ có 20 - 30 hộ kinh doanh thịt chưa qua kiểm soát. Trước đây, thành phố giao Chi cục phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cùng xây dựng kế hoạch di dời và thành lập khu giết mổ gia súc tập trung cho 13 hộ này. Sở Xây dựng được giao trách nhiệm bố trí đất theo kiến nghị của Chi cục và huyện Hòa Vang. Thế nhưng, khu tập trung cho các hộ này hiện vẫn chưa có và cũng chưa rõ khi nào sẽ có. |
THU HOA - PHAN CHUNG