.

Bẩn từ lò mổ đến bàn ăn - Bài 2: Giết mổ gà, vịt theo quy trình... bẩn

.

Không chỉ những lò mổ heo “5 không”, những lò giết mổ gà, vịt cũng không tuân thủ bất kỳ quy định an toàn vệ sinh thú y nào mà vẫn ngang nhiên tồn tại và hoạt động suốt một thời gian dài.

Lò giết mổ gia cầm nhếch nhác tại khu vực chợ Hòa Khánh bao năm qua vẫn chưa thể di dời (ảnh chụp sáng 13-4-2016).
Lò giết mổ gia cầm nhếch nhác tại khu vực chợ Hòa Khánh bao năm qua vẫn chưa thể di dời (ảnh chụp sáng 13-4-2016).

Giết mổ giữa khu dân cư vẫn cứ “phất”

Chợ Hòa Khánh từ lâu là địa điểm kinh doanh gia cầm quy mô lớn của Đà Nẵng. Nơi đây hiện có 39 hộ buôn bán đủ loại gà, vịt sống. Mỗi ngày có hàng trăm con gà, vịt các loại được các tiểu thương, người dân mang đến bày bán la liệt phục vụ nhu cầu người dân. Không chỉ mua bán, nơi đây còn là “tổng hành dinh” của những người làm nghề giết mổ gà, vịt với thời gian hoạt động từ 4 giờ đến 19 giờ mỗi ngày.

Việc di dời, chấn chỉnh hoạt động chợ gà, vịt sống và giết mổ ngay giữa khu dân cư xung quanh chợ Hòa Khánh đã được “đặt lên, để xuống” rất nhiều lần trong các cuộc họp. Cơ quan chức năng cũng cho biết, phương án di dời đã có và tình trạng giết mổ không đúng quy định đã giảm đáng kể, chỉ còn dưới 50% so với trước đây. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 13-4, không khí mua bán, giết mổ gia cầm khu vực này vẫn sôi động như bao ngày.

Ghé vào hai nơi bán gà, vịt, chúng tôi được người bán nhiệt tình mời chào và để củng cố sự yên tâm của khách hàng, những người bán đều khẳng định: Giết, mổ, làm lông ngay tại chỗ. Giá vặt lông gà từ 10.000 - 15.000 đồng/con, vịt từ 20.000 - 30.000 đồng/con. Mang về nhà làm chi cho cực, ở đây đợi lấy liền sau 10 phút. Đặc biệt, khâu giết mổ quanh đây làm thủ công chứ không dùng máy móc nên không lo thịt gà, vịt bị nhão!

Xen giữa các sọt gà, vịt dọc chợ Hòa Khánh là một căn nhà lụp xụp được gọi là “lò” mổ. “Lò” này có chiều ngang 5m, dài khoảng 20m, được 6 hộ thuê lại và chia đều thành 6 điểm nhỏ làm nơi giết mổ. Mỗi điểm giết mổ như vậy chỉ rộng khoảng 1,5m, dài chưa tới 3m nhưng hằng ngày tiếp nhận toàn bộ số gia cầm được bán tại chợ Hòa Khánh.

Trên nền gạch lồi lõm và lênh láng nước là những chiếc bát dùng để đựng huyết gia cầm. Dao, kéo vứt lăn lóc cạnh nồi lớn chứa nước sôi. Tất cả khâu làm gà, vịt đều diễn ra ngay trên sàn nhà. Ruồi nhặng bâu đầy các vật dụng. Toàn bộ không gian ẩm thấp, bốc lên mùi tanh hết sức khó chịu.

Muốn đi, đâu có được!

Theo ông B., một trong những chủ “lò” giết mổ gia cầm tại đây, 6 người tham gia việc giết mổ gia cầm chợ Hòa Khánh phải bỏ ra 3,2 triệu đồng/hộ/tháng để trả tiền thuê mặt bằng. Mỗi ngày ông B. mổ từ 60-70 con gà, vịt, Tết hoặc dịp cúng nhiều thì lượng giết mổ tăng lên theo.

Khi đề cập vấn đề phải dời lên điểm tập trung theo quy định của thành phố, ông B. nói: “Ở đây làm tiện hơn, gần chợ, gần nhà. Nhưng họ “hô” thì đi thôi. Có điều người bán gà, vịt sống phải lên tập trung luôn thì người làm nghề giết mổ như chúng tôi mới có việc để làm. Chớ mỗi mình tụi tôi lên, còn người buôn bán vẫn ở dưới chợ, chắc chắn tụi tôi không chịu”.

Ngoài chợ Hòa Khánh, trên địa bàn thành phố hiện còn có nhiều điểm giết mổ gia cầm tự phát ngay trong khu dân cư. Đi sâu vào con hẻm bên hông chợ Mới (quận Hải Châu) là 3 hộ dân chuyên làm nghề giết mổ gia cầm chục năm nay.

Tại đây, gà, vịt được giết công khai ngay bên đường. Bà L., người chuyên giết mổ gia cầm sống cho biết, bà làm công việc này đã hơn 10 năm nay nhưng không thấy cơ quan nào ngăn cấm. “Thỉnh thoảng vào các đợt cúm gia cầm, cán bộ kiểm dịch có đến nhắc nhở rồi thôi”, bà L. nói.

Tương tự, tại cửa hàng chuyên bán thịt gia cầm trên đường Hải Phòng, tuy cơ quan chức năng khẳng định nơi đây không có chuyện giết mổ, nhưng trên thực tế, người dân sau khi mua gia cầm sống tại chợ cóc phía đầu đường đều mang đến đây để giết mổ, với giá từ 15.000 - 30.000 đồng/con.

Về vấn đề làm sao chấm dứt tình trạng giết mổ gia cầm không đúng quy định tại khu vực chợ Hòa Khánh, ngày 13-4, qua trao đổi trên điện thoại, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, quận đã có phương án di dời khu giết mổ tại chợ Hòa Khánh lên điểm tập trung 1.000m2 ở chợ Thanh Vinh (nằm gần Khu công nghiệp Hòa Khánh), có sức chứa 50 hộ kinh doanh, giết mổ gia cầm sống.

“Việc san lấp mặt bằng đã xong, nhưng phải xây dựng lô, quầy thì mới bố trí hộ kinh doanh lên được, không thể để họ ngồi buôn bán dưới trời nắng. Nhưng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải thì cần 1,3 tỷ đồng. Hiện UBND quận đã có phương án đối ứng 300 triệu đồng, còn thành phố bỏ ra 1 tỷ đồng. Nhưng đến nay, tiền của thành phố chưa rót về nên quận cũng chưa thể chấm dứt hoàn toàn việc kinh doanh, giết mổ tại chợ Hòa Khánh để chuyển lên chợ Thanh Vinh được”, ông Thiết nói.

Cần xét nghiệm độ độc hại trên da gà, vịt đã qua tẩy lông bằng nhựa thông

Thời gian qua, có thông tin những lò giết mổ gà, vịt thường sử dụng cô-lô-phan và paraphin - hai thành phần của nhựa thông để pha trong nước sôi giúp “lột” lông vịt siêu nhanh.

Nhựa thông chưng cất sẽ thu được 20% tinh dầu thông, 70% cô-lô-phan và 10% xenlulo (chất xơ). Cô-lô-phan là thành phần chủ yếu của nhựa thông ở điều kiện bình thường tồn tại trong trạng thái rắn, giòn, màu vàng nhạt hay vàng nâu. Trong công nghiệp, Ete hóa cô-lô-phan làm xà phòng, làm chất kết dính để sản xuất giấy viết không bị nhòe mực, làm gôm kẹo cao su và nhiều ứng dụng khác như hàn các vi mạch điện tử.

Bộ Y tế cấm đưa nhựa thông vào chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, nhựa thông và các chất trong nhựa thông lại không thuộc danh mục phải kiểm tra vệ sinh thú y theo quyết định của Cục Thú y - Bộ NN&PTNT.

Trong khi đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng khẳng định: Cấm tuyệt đối các lò giết, mổ gà, vịt sử dụng nhựa thông và các chất của nhựa thông để nhổ lông gia cầm. Song, Chi cục này cũng thừa nhận khó kiểm soát việc này, bởi nhổ lông vịt thủ công rất mất thời gian, mỗi lò sơ chế vài trăm đến hàng ngàn con mỗi ngày. Do đó, bằng cách này hay cách khác, họ vẫn sẽ tìm chất nhổ lông siêu nhanh.

Bên cạnh đó, vì Cục Thú y chưa đưa nhựa thông vào danh mục chất cấm trong sơ chế sản phẩm gia cầm nên rất cần các cơ quan chức năng xét nghiệm da gà, vịt sau khi được tẩy lông bằng nhựa thông có để lại chất độc hại hay không.

Tăng cường xử phạt

Trong quý 1-2016, Chi cục Chăn nuôi và thú y Đà Nẵng xử lý và xử phạt vi phạm hành chính 46 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 85 triệu đồng. Trong đó, 16 trường hợp không có dấu kiểm soát giết mổ, 10 trường hợp giết mổ động vật tại nơi không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, 10 trường hợp vận chuyển sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện 4 trường hợp trốn tránh trạm kiểm dịch đầu mối, 2 trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không thực hiện điều kiện vệ sinh thú y tại nơi kinh doanh. Trước đó, năm 2015, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã xử phạt 92 trường hợp với những vi phạm tương tự như trên, tổng số tiền nộp phạt gần 160 triệu đồng.

THU HOA - PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.