Chính trị - Xã hội
Bài cuối: Mê hồn trận phụ gia thực phẩm
Tình trạng sử dụng chất Auramine O (chất vàng ô) nhuộm măng, dưa cải… có dấu hiệu tạm lắng sau sự vào cuộc rầm rộ của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa việc mua bán, sử dụng phụ gia độc hại dùng trong thực phẩm giảm. Các loại chất siêu ngọt, siêu màu, không nhãn mác hiện nay vẫn được mua - bán dễ dãi.
Chỉ cần 7.000 đồng có thể mua được 153 hột đường hóa học và lọ phẩm màu không nhãn mác. |
Bán lén, mua… công khai
Hoàn toàn không khó để mua được “đường hột” siêu ngọt, phẩm màu, chất làm dai trôi nổi tại các cửa hàng gia vị trong các chợ. Một người kinh doanh mặt hàng gia vị lâu năm cho biết, hầu như hàng nào cũng bán những phụ gia này. Người mua có nhu cầu thì người bán sẵn sàng cung cấp một mớ chất phụ gia không tên, không tuổi. Những “phụ gia” này không được phô trương bày bán công khai, bắt mắt, mà được cất ở những vị trí khó thấy. Chuyện trưng bày có phần lén lút nhưng việc mua - bán thì vô cùng giản đơn.
Chiều 20-4, tại chợ Siêu Thị (đường Võ Văn Tần), nghe chúng tôi hỏi mua đường hóa học để dầm cốc, người bán hỏi: “Dầm ăn hay bán. Ăn thì không nên dùng đường ni, dầm bán thì được”. Vừa nói, người bán lấy ra gói đường với những hạt nhỏ như hạt lựu được bọc sơ sài trong bao ni-lông màu trắng và không có bất kỳ thông tin nào khác trên sản phẩm. Giá một gói đường như vậy là 5.000 đồng. Đáng nói, chỉ chừng ấy tiền, chúng tôi đã có… 153 hột đường. Người bán còn hướng dẫn, với 1kg cốc, dùng 5 hột là vừa. Như vậy, với 5.000 đồng đường hóa học có thể làm ngọt vài chục kg cốc!
Tại chợ Tam Thuận (đường Trần Cao Vân), người bán cũng hỏi câu tương tự khi biết chúng tôi cần mua đường hóa học. Người này còn cho biết, trong trường hợp dùng dầm kim chi hay các món chua ngọt khác, nhiều người vẫn sử dụng đường hóa học để làm tăng độ giòn cho món ăn. Nếu dùng đường mía thông thường, thức ăn có thể bị nhũn khi không dầm ướp đúng cách. Dù khuyên người mua nên ăn đường mía nhưng người bán vẫn hỏi thêm: Cần mua bao nhiêu “đường hột”?
Không chỉ có đường siêu ngọt không rõ nguồn gốc, các loại phẩm màu vàng, đỏ, xanh nhuộm vào thức ăn cũng được mua - bán dễ dàng. Nếu đường siêu ngọt có giá siêu rẻ thì giá của phẩm siêu màu còn rẻ đến kinh ngạc. Một lọ phẩm nước màu vàng khoảng 5ml có giá 2.000 đồng. Phẩm cũng được đặt trong lọ trơn vỏ, không có thông tin về sản phẩm. Người bán cho hay, chỉ cần nhúng một đầu đũa phẩm thì có thể tạo màu cho cả một nồi thức ăn.
Ngày 21-4, trong vai người cần mua một ít hàn the để làm chả cá, chúng tôi tìm gặp một số tiểu thương bán gia vị tại chợ Cồn. Ánh mắt dè chừng, nghi ngại, chị T., một tiểu thương tại đây, dò hỏi kỹ lưỡng nguyên nhân, mục đích của việc mua hàn the.
Theo chị T., trước đây, hầu như cửa hàng nào cũng bán hàn the, thuốc chống mốc, thạch cao, muối diêm lạnh… để phục vụ cho nhu cầu chế biến thực phẩm. “Mấy ngày gần đây, cơ quan chức năng kiểm tra dữ quá nên việc mua bán có phần giảm lại. Những phụ gia này chủ yếu nhập về từ thành phố Hồ Chí Minh, lãi không bao nhiêu nhưng nếu bị phát hiện thì phiền phức lắm”, chị T. cho biết.
Dù chị T. khẳng định như vậy nhưng qua tìm hiểu riêng của chúng tôi thì ngược lại. “Hàn the bán đầy, giá rẻ, dễ mua. Người bỏ hàng sỉ luôn dặn chúng tôi chỉ bán cho mối quen. Nếu người lạ đến hỏi mua phải tìm hiểu kỹ mục đích, kẻo không gặp phải “cơ quan chức năng” đóng giả vai thì tiêu”, một người bán gia vị nhỏ lẻ cho hay.
Phạt nặng!
“Kinh doanh chất phụ gia không có nhãn mác, không đăng ký và không công bố tiêu chuẩn là sai rồi!”, ông Nguyễn Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Đà Nẵng khẳng định nhiều lần với phóng viên.
Riêng với đường hóa học, ông Tiến cho biết, chất phụ gia này nằm trong danh mục cho phép sử dụng, nhưng chỉ cho phép với một số chất có đăng ký rõ ràng và với liều lượng được quy định rất nghiêm ngặt. Có nhiều loại đường hóa học, nhưng cơ bản có hai loại chính là Aspartam và Cyclamat. Trong khi đó, đường hóa học trôi nổi được bày bán trong các chợ thì không biết… thuộc loại gì.
Mỗi hột đường hóa học ngọt gấp 100 lần đường mía và muốn dùng bao nhiêu cũng không cấm thì rất nguy. Đường hóa học không có giá trị dinh dưỡng nào đối với sức khỏe con người, thậm chí có thể gây nguy hại nghiêm trọng. Một số tài liệu khoa học cho thấy, Cyclamat vào cơ thể được vi khuẩn trong ruột chuyển thành chất có thể gây ung thư gan, thận, phổi, dị dạng bào thai trên thực nghiệm.
Một trong các công cụ kiểm tra chất phụ gia hiện nay là kiểm tra nhanh, phát hiện nhanh chất cấm. Song, phương pháp kiểm tra nhanh chỉ kiểm tra được một số chất, còn đa phần các chất cấm khác thì không thể phát hiện bằng phương pháp này, đường hóa học không là ngoại lệ.
Với những loại phụ gia không nguồn gốc, không thông tin sản phẩm thì người kinh doanh mặt hàng này bị áp dụng mức xử phạt rất nặng. Nhưng làm sao bắt quả tang để phạt lại là câu hỏi khó đối với cơ quan chức năng.
Ông Tiến cho hay, với kiểu bán lén lút, khi đoàn kiểm tra đến, người bán không để lộ hàng hóa ra ngoài hóa nên khó phát hiện. Đóng vai để giả vờ mua phụ gia trôi nổi thì dễ, nhưng lại khó bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ xử phạt. “Thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp với lực lượng công an làm riêng chuyên đề kiểm tra về những chất phụ gia này”, ông Tiến nói.
Hiện nay, tại Đà Nẵng có 2 phòng xét nghiệm có thể kiểm tra được đường hóa học và phẩm màu. Tuy nhiên, thời gian qua, việc xử phạt người kinh doanh, chế biến thực phẩm sử dụng phụ gia không đúng quy định còn một số lấn cấn. Ông Nguyễn Minh Tiến khẳng định: Chỉ cần xét nghiệm phát hiện chất cấm, chưa cần định danh cụ thể là chất gì thì đã có thể xử phạt. Ví dụ, có địa phương đã phạt 2 cơ sở bán măng nhuộm vàng với mức 70 triệu đồng. Không nhất thiết “thận trọng” quá mức trong xử phạt khiến người kinh doanh, sử dụng phụ gia độc hại mặc nhiên “đầu độc” con người.
THU HOA - PHAN CHUNG