Chính trị - Xã hội
Chan chứa lòng hiếu thảo
Làm dâu và ở rể, bấy lâu được người đời nhìn nhận với những nỗi niềm nặng nề, khó chịu. Thế nhưng, trong cuộc sống quanh ta cũng còn biết bao câu chuyện bình dị mà chan chứa tình thương tưởng như “cổ tích” của những người con dâu, con rể dành cho cha mẹ thứ hai của mình...
Chị Nga bón cháo cho cha chồng. |
Nhờ có con dâu, cha chồng mới còn sống
Cụ Phạm Hề, 87 tuổi, ở thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) nằm liệt giường suốt 15 năm qua sau cơn tai biến mạch máu não. Mọi sinh hoạt của cụ gói gọn trên chiếc giường đơn. Tuy vậy, nếu ngồi bên cụ, nghe mùi giường chiếu, quần áo tỏa ra thơm tho, hẳn nhiều người sẽ không có cảm giác cụ đã bất động lâu đến thế.
Với bà con thôn Phước Hưng, chuyện cụ Hề được chăm sóc ân cần chu đáo không còn lạ, khi nhiều năm qua, cụ có người con dâu kề cận từng miếng ăn, giấc ngủ. Về làm dâu từ năm 2001, khi cụ Hề đã bắt đầu bị tai biến, cô gái Đặng Thị Nga (33 tuổi) từ thôn Túy Loan Đông, xã Hòa Phong cũng bắt tay ngay vào việc chăm sóc cha chồng. Không quản ngại nhọc nhằn, vất vả, cũng không chút buồn phiền, nao núng, chị Nga tự nguyện chăm cụ như chăm cha mẹ ruột mình.
Hằng ngày, chồng chị Nga đi làm công tại mỏ đá Phước Hưng, lao động nặng nhọc nhưng thu nhập thất thường, chỉ đủ mua gạo cho gia đình 5 nhân khẩu. Chị Nga ngoài việc đưa đón hai con đi học và chăm sóc vườn rau nhỏ, phần lớn thời gian trong ngày, chị dành cho việc chăm cha chồng. Chị thay quần áo cho cha mỗi ngày một lần, giặt gối chiếu, chăn màn hằng tuần, còn tả lót ướt đâu thay đó, giường chiếu tươm tất, gọn gàng.
Đến thăm cụ vào một buổi sáng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh quen thuộc thường ngày trong ngôi nhà này: “Cố lên ba! Cố lên ba!”, người phụ nữ trẻ vừa đút cháo vừa dỗ dành ông cụ. Một hồi lâu, bát cháo vơi đi, chị tiếp tục vắt khăn ấm lau mặt, vệ sinh cho cụ. Ân cần xoa bóp đôi chân nhăn nheo của cha, chị thỏ thẻ: “Siêng lau rửa, xoa bóp mới khỏi bị loét, ba nghe! Bác sĩ dặn rứa ba nghe!”.
Ông Võ Tạ, Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em xã Hòa Nhơn khẳng định: Nhờ có chị Nga, cụ Hề mới còn sống đến bây giờ. Chị là tấm gương dâu hiền tiêu biểu nhất trong toàn xã.
Ai nhìn thấy cũng cảm phục
Ở xã Hòa Nhơn còn có câu chuyện về một người con rể chăm sóc mẹ vợ hết mực ân cần, chu đáo đến mức ai nấy nhìn thấy cũng cảm phục.
Anh Lê Qua, 46 tuổi, trú tại thôn Diêu Phong kết hôn với chị Kim Yến từ năm 1988. Hồi anh chị mới cưới nhau, mẹ chị Yến là bà Trần Thị Liễu đang ở với người con gái lớn của bà. Vợ chồng anh Qua siêng năng, cần mẫn, vừa làm ruộng, vừa trồng rừng, bền bỉ vượt khó vươn lên.
Năm 1996, vợ chồng anh Qua xây được ngôi nhà nho nhỏ. Bấy giờ, thấy mẹ vợ bệnh nặng, hoàn cảnh gia đình chị vợ khó khăn nên anh Qua đưa mẹ về chăm sóc. Mới đầu, do trong nhà không còn phòng trống, anh đặt giường nằm của mẹ cạnh giường của các con. Về sau, anh xây thêm một phòng mới rộng rãi dành riêng cho mẹ với đủ các vật dụng thiết yếu dành cho người già bệnh tật.
Bà Liễu năm nay 90 tuổi, nằm một chỗ. Mỗi bữa sáng, anh Qua hầm cháo thật nhuyễn, đút cho mẹ xong mới đi làm đồng. Bữa trưa, bữa tối, anh lại đều đặn lo từ miếng cơm, miếng cháo đến việc tắm rửa, vệ sinh cho mẹ chính đôi bàn tay của mình.
Hễ rảnh lúc nào, anh lại tranh thủ ngồi xoa bóp chân tay cho mẹ. Trước sự gánh vác của chồng, chị Yến nghẹn ngào: “Tôi làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Cầm, sáng đi sớm, trưa ở lại công ty, tối về muộn, nên hầu như mọi việc ăn uống, chăm sóc mẹ đều do anh Qua lo liệu”.
Nhìn tấm gương cha, các con anh Qua cũng yêu bà ngoại nhiều hơn và những việc thường ngày như đút cháo, đút sữa, lau rửa cho bà, các con anh đều làm thành thục. Cháu Quang Trường, con trai út 16 tuổi đã có thể thay ba chăm bà ngoại trong những lúc ba bận việc xa nhà.
“Ba bày pha sữa xong, nhẹ nhàng đỡ bà ngồi dậy, cho bà dựa vào người mình, rồi kề ly sữa vào môi cho bà uống từng chút một. Hễ bà ngậm được một tí là phải đưa ly ra ngay để bà khỏi bị sặc. Những lúc bà mệt, phải lấy muỗng đút và dỗ bà cố gắng uống”, Quang Trường vừa tỉ mẩn cho bà uống sữa, vừa lặp lại lời ba dặn không sót một từ.
“Trời cho bà Liễu người con rể và mấy đứa cháu ngoại hiếu thảo hiếm có”, chứng kiến chuyện ở nhà anh Qua mỗi ngày, ông Lê Kim Lợi, Trưởng thôn Diêu Phong cảm phục.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM