Chính trị - Xã hội

Chuyện nơi "cửa tử"

07:55, 26/04/2016 (GMT+7)

Bệnh nhân đột quỵ thường ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Bằng những kỹ thuật, trang thiết bị cùng với tay nghề cao và lòng yêu nghề, các bác sĩ ở Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện C Đà Nẵng đã giúp họ vượt qua cơn hiểm nghèo.

Điều trị bằng máy oxy cao áp tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện C Đà Nẵng.
Điều trị bằng máy oxy cao áp tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện C Đà Nẵng.

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện C Đà Nẵng được thành lập vào đầu năm 2010. Sau quá trình chuẩn bị về nhân lực, hạ tầng và trang thiết bị, trung tâm chính thức hoạt động từ ngày 18-1-2016. Đây cũng là Trung tâm Đột quỵ đầu tiên ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Tại đây, các y, bác sĩ đã cứu chữa cho nhiều trường hợp thập tử nhất sinh vượt qua cơn nguy kịch, trở về với cuộc sống. Đơn cử như bệnh nhân Võ Thị Tâm (103 tuổi, ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), nhập viện trong tình trạng tai biến mạch máu não, gây méo miệng, liệt nửa người, không nói được và các bác sĩ tiên lượng rất xấu. Tuy nhiên, sau 20 ngày điều trị tại Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện C Đà Nẵng, sức khỏe bà Tâm đã ổn định, ăn uống bình thường và đã ra viện trong niềm vui của người thân.

Mới hoạt động hơn 3 tháng nhưng trung tâm đã xử lý thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Bệnh nhân Phạm Thường (72 tuổi, quê xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) chuyển viện đến ngày 24-2 do tai biến mạch máu não tái phát, liệt nửa người bên trái và không tự đi được.

Trung tâm đã khẩn trương áp dụng các kỹ thuật điều chỉnh huyết áp, chống ngưng tập tiểu cầu, đồng thời nuôi dưỡng tế bào thần kinh, điều trị bằng oxy cao áp. Sau 8 ngày, bệnh nhân Thường đi lại được. Đặc biệt, bệnh nhân Nguyễn Thị Mai (51 tuổi, ở xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) nhập viện ngày 9-2 do xuất huyết não, tăng huyết áp, liệt tay chân, bí tiểu… Bệnh nhân được châm cứu kết hợp tập phục hồi chức năng sớm nên bệnh thuyên giảm, đi lại và đi tiểu bình thường.

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện C Đà Nẵng hoạt động theo mô hình phối hợp đa chuyên ngành, được tăng cường sự hỗ trợ của nhiều khoa liên quan và tổ can thiệp mạch máu của bệnh viện. Trung tâm được đầu tư nhiều trang, thiết bị hiện đại như máy tổng phân tích tế bào máu, máy siêu âm động mạch cảnh, siêu âm Doppler màu tim, máy holter điện tim 24 giờ.

Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng Nguyễn Tường Vân trực tiếp làm Giám đốc trung tâm cho biết: “Khi bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, các kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng ngay tại giường bệnh. Nhờ đó, bệnh nhân không bị loét do tỳ đè và mau bình phục”.

Theo các bác sĩ nơi đây, việc xử lý các ca bệnh thập tử nhất sinh không còn là chuyện hiếm và phải tiến hành nhanh thì mới cứu được tính mạng người bệnh. Vừa xử lý xong một ca bệnh hiểm nghèo, bác sĩ Trần Xuân Nghĩa cho biết, bệnh nhân là cụ T.N.C (82 tuổi), nhập viện trong tình trạng hôn mê, diễn biến xấu, do xuất huyết não không tự cầm.

Sau khi hội chẩn, trung tâm quyết định mổ cấp cứu và hồi sức tích cực, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn những nguy cơ đe dọa tử vong. Đầy vẻ ưu tư, lo lắng, bác sĩ Nghĩa chia sẻ: “Chúng tôi tiếp tục theo dõi sát và áp dụng các kỹ thuật cao, hỗ trợ các chức năng sống để cứu bệnh nhân. Còn một chút hy vọng của sự sống thì chúng tôi cũng cố gắng”.

Bác sĩ Dương Tuấn Sơn, một trong những thầy thuốc vừa cứu sống bệnh nhân Nguyễn Cửu (76 tuổi), bộc bạch: “Bệnh nhân Cửu bị đột quỵ, bất tỉnh, liệt chân trái, tay trái, miệng không cử động được, không nói được, trung tâm đã tiến hành các kỹ thuật cấp cứu khẩn cấp, bồi phụ nước - điện giải, nuôi dưỡng tế bào thần kinh, nuôi dưỡng qua đường thông dạ dày và tĩnh mạch”… Sau 6 ngày xử lý tích cực với sự phối hợp của nhiều khoa liên quan, bệnh nhân Cửu đã tỉnh lại và nói được. “Bất cứ trường hợp nào, bác sĩ và điều dưỡng viên cũng phải thường xuyên túc trực ngay cạnh giường bệnh nhân cả ngày lẫn đêm để xử lý ngay nếu bệnh có diễn biến xấu”, bác sĩ Toàn nhấn mạnh.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.