Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã bỏ phiếu thông qua đề nghị của Thủ tướng Chính phủ bổ sung 21 thành viên Chính phủ. Bộ máy Chính phủ mới này đã nhận được rất nhiều kỳ vọng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và cử tri giao phó, đưa Việt Nam phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn phát biểu ý kiến. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Bên lề kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) đã trao đổi về vấn đề này.
- Thưa Đại biểu Nguyễn Anh Sơn, tại kỳ họp lần này, nhân sự của Chính phủ đã được kiện toàn. Ông có nhận xét gì về bộ máy này?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Tôi cho rằng những nhân sự vừa được Quốc hội phê chuẩn vào nội các mới phần lớn là các đồng chí đã có kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực thuộc ngành mình lên nắm điều hành.
Tôi tin tưởng với những gương mặt ấy, nội các Chính phủ trong nhiệm kỳ tới sẽ đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân.
- Vào năm 2011, khi mới nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Đinh La Thăng từng cho hay, tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội. Theo ông, chúng ta có nên trao quyền cho “tư lệnh ngành” nhiều hơn để giúp họ giải quyết công việc nhanh chóng và thuận lợi hơn không?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Việc này có hai mặt. Tư lệnh các ngành cần có quyền hạn nhất định để thực hiện trọng trách, nhiệm vụ của mình. Theo tôi, đây là đòi hỏi chính đáng.
Ở mặt khác, bản thân các tư lệnh cần thực hiện trách nhiệm, quyết tâm của mình trong việc giải quyết những nhiệm vụ đặt ra của ngành. Thực tế cho thấy, có chuyện tư lệnh ngành nói rằng không được toàn quyền song cũng có chuyện mà tư lệnh ngành không dám, không đủ can đảm quyết những việc thuộc trách nhiệm của mình mà trông chờ ỷ lại ở Chính phủ. Cái gì cũng xin ý kiến, đề nghị Chính phủ.
Về quan điểm của mình, tôi ủng hộ việc làm sao để các tư lệnh ngành có nhiều quyền hạn hơn, dần dần xóa bỏ quan niệm gần như cố hữu là bao cấp thu chi, bao cấp cả quyền lực. Từ đó, tránh hiện tượng cái gì cũng xin, trong suy nghĩ cũng phải xem suy nghĩ cấp trên thế nào thì suy nghĩ theo lối đó và không dám thực hiện hết quyền lực của mình.
Tôi cho rằng, Chính phủ mới nên cân nhắc để tư lệnh ngành có toàn quyền và chịu trách nhiệm. Tư lệnh cũng phải vươn lên để có đủ khả năng quyết đáp những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình mà không phải xin ý kiến. Những gì thuộc đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng thì việc chấp hành, thực hiện và việc xin ý kiến là đương nhiên.
Chúng tôi mong muốn trong lĩnh vực nào cũng có tư lệnh thật mạnh mẽ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có nhiều tư lệnh chiến trường rất giỏi, quyết đáp những vấn đề mà nếu dừng lại để xin ý kiến từ Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng là mất cơ hội. Câu chuyện điều hành kinh tế, xã hội thời nay cũng phải có những sự quyết đáp ấy.
- Trong nội các mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không phải là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, ông có nhận định gì về việc này?
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn: Cử tri cũng hỏi chúng tôi như vậy, và tôi cho rằng tình thế này là bởi công tác chuẩn bị nhân sự có thể chưa kịp thời. Còn trong trường hợp có nhân sự đáp ứng được yêu cầu thì chắc chắn sẽ có chỉ đạo phù hợp.
Trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có rất nhiều cố gắng, song y tế là lĩnh vực còn nhiều khó khăn và cá nhân tôi cho rằng tư lệnh ngành này cần phải mạnh mẽ hơn.
- Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Theo Vietnam+