.

Đại thắng mùa Xuân 1975: Khẳng định ý chí thống nhất Tổ quốc và khát vọng hòa bình

.

Sau hai năm đấu tranh thi hành Hiệp định Paris, đánh địch lấn chiếm bảo vệ vùng giải phóng, bước vào Xuân 1975, thời cơ lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước qua hơn 20 năm chiến đấu được mở ra.

Bằng bốn chiến dịch tiến công như vũ bão: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên-Huế, Chiến dịch Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã đập tan mọi sự kháng cự của địch; chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ hoàn toàn vào trưa ngày 30-4-1975.

Giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh: tư liệu
Giải phóng đảo Song Tử Tây. Ảnh: tư liệu

“Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên”

Ngay sau thành phố Đà Nẵng được giải phóng, song song với việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ cấp bách sau chiến tranh, thực hiện chủ trương của Trung ương, Đặc khu ủy Quảng Đà tập trung vào nhiệm vụ điều động lực lượng, huy động lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh, theo tinh thần “Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên”.

Từ những chiến lợi phẩm thu được của địch, thành phố Đà Nẵng và huyện Hòa Vang có thêm nguồn phương tiện chiến tranh trong việc chi viện cho chiến dịch Hồ Chí Minh. “Giải phóng Đà Nẵng, ta thu được 109 khẩu pháo, 138 xe tăng và xe bọc thép, 115 máy bay, 47 tàu thủy. Ủy ban Quân quản các cấp đã thu gom tất cả những chiến lợi phẩm nói trên để chuyển vào giải phóng Sài Gòn. Từng đoàn xe lũ lượt nối đuôi nhau chạy hối hả trên quốc lộ 1A để vào Nam” (1). Khi tiến công giải phóng Đà Nẵng, ta thu được hàng chục máy bay của địch tại sân bay Đà Nẵng song việc sử dụng được số máy bay (đặc biệt là máy bay A37) trên để phục vụ cho tiến công giải phóng Sài Gòn là một yêu cầu bức thiết lúc bấy giờ của Khu ủy 5.

Đồng chí Nguyễn Quang Thái, Trưởng ban Binh địch vận Quảng Đà cho biết: “Ngày 4-4-1975, tôi nhận được lệnh cấp trên, xét chọn ra 3 sĩ quan lái máy bay A37 của chính quyền Sài Gòn để giao về trên. Chính 3 người này về sau đã hướng dẫn các đồng chí bộ đội lái máy bay của ta sử dụng máy bay A37 của Mỹ ném bom vào các mục tiêu quân sự quanh Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”(2).

Đặc khu ủy Quảng Đà còn kêu gọi thanh niên lên đường nhập ngũ, “tiến về Sài Gòn”, hàng ngàn người con quê hương xứ Quảng ra đi tham gia giải phóng Sài Gòn trong những ngày ấy. Hàng chục ngàn người dân thành phố Đà Nẵng, tay cầm cờ, hoa đứng dọc 2 bên quốc lộ 1A, từ ngã ba Huế vào đến Hòa Cầm để vẫy chào các binh đoàn bộ đội tiến về Nam. Bà con còn quyên góp gạo, tổ chức nấu cơm phục vụ cho bộ đội trên đường “Nam tiến” dừng chân nghỉ tại Đà Nẵng.

Đặc khu ủy Quảng Đà huy động 200 xe của các đơn vị, tư nhân chở bộ đội, lương thực, thực phẩm tiến vào Nam, lần lượt hết đoàn này đến đoàn khác. Đặc biệt, hàng chục hãng xe tư nhân, nhất là hãng Phi Long - Tiến Lực đã tự nguyện điều động hàng ngàn lượt xe đưa bộ đội vào Nam chiến đấu, có lúc các xe khách này được lệnh chuyển 18.200 quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Lúc này, ngoài 800 xe đã có, ta còn vận động 13 chiếc xe loại 52 chỗ ngồi ở các tỉnh khác vào thành phố lấy xăng dầu, tham gia chuyển quân. Bà con thành phố còn cung cấp hàng ngàn tấn xăng dầu, phục vụ các đoàn xe này.

Sự đóng góp sức người, sức của của nhân dân Đà Nẵng góp phần thiết thực tạo nên chiến thắng tại Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đúng như đồng chí Lê Duẩn từng nhận định: “Tấn công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng là tiến hành sớm hơn ngoài kế hoạch, có ý nghĩa quyết định sự sụp đổ quân ngụy ở cả miền Nam”. Đến lượt mình, Đà Nẵng lại có tác động một cách mạnh mẽ trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Thần tốc, thần tốc hơn nữa - táo bạo, táo bạo hơn nữa”

Với khí thế quân ta đang lên “như nước vỡ bờ”, ngày 7-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Mệnh lệnh 1:1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”(3).

Tất cả đều thấm nhuần: lúc này, lỡ thời cơ là có tội. Với mệnh lệnh lịch sử, trong đêm ngày 7-4, các cánh quân của ta đã tăng tốc độ hành quân đến vị trí tập kết chiến dịch. Ngày 9-4, Quân đoàn 4 bắt đầu tấn công thị xã Xuân Lộc; ngày 14-4, cánh quân hướng đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang; ngày 19-4, Quân đoàn 2 giải phóng Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận, thần tốc tiến vào Long Khánh, phối hợp với Quân đoàn 4 giải phóng Xuân Lộc.

Trong khi đó, trên các hướng bắc, tây bắc, đông, tây nam, quân ta dồn dập tiến công tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch phòng thủ vòng ngoài, áp sát lực lượng vào vùng ven đô. Cũng trong ngày 14-4, Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 22-4, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng điện chỉ đạo Bộ Chỉ huy chiến dịch: Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về quân sự, chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc thắng nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định toàn thắng”. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn - Gia Định trước ngày 30-4-1975.

Lúc 5 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích, đánh chiếm 5 mục tiêu then chốt đã lựa chọn trong nội đô: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng Nha cảnh sát đô thành, Biệt khu Thủ đô.

Từ các hướng đông, đông nam, bắc, tây bắc và tây - tây nam, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy, đến 11 giờ 30 phút, ta làm chủ các mục tiêu và cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng lên nóc dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Cùng với cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định, quân ta tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo ở ven biển miền Trung và Trường Sa. Đến ngày 1-5, toàn bộ các tỉnh, thành phố trên đất liền và các đảo, quần đảo ở Biển Đông trên toàn miền Nam Việt Nam được giải phóng, riêng quần đảo Hoàng Sa vẫn đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép từ năm 1974.

Những lời thú nhận

Sự kiện ngày 30-4-1975 để lại những lời thú nhận chua cay của các quan chức Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Ngày 14-5-1975, Đại tướng Taylor thốt lên: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”, “Chúng tôi đã không đánh giá đúng tinh thần cực kỳ kiên quyết và đức hy sinh vì sự nghiệp của người Việt Nam”.

Ngày 19-5-1975, Kissinger cay cú: “Cuộc rút lui lịch sử khỏi Việt Nam của một đại cường quốc không thể không đặt ra một số vấn đề có hại cho địa vị của Mỹ trên thế giới”. Raxcơ than vãn: “Chúng ta vẫn chưa biết hết cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh này, phải đợi hàng chục năm nữa mới biết được”. Đại tướng Westmoreland cho rằng: “Nước Mỹ sẽ rút ra từ kinh nghiệm đau thương, bất hạnh bi thảm này một bài học có giá trị cho tương lai”. Đại tướng Hao-dơ mỉa mai: “Chính sách ngăn chặn của chúng ta đã phải hứng chịu một đòn rất nặng nề tại Việt Nam. Dù bè bạn an ủi chúng ta thế nào, dù chúng ta viện những nguyên nhân gì để bào chữa cho thất bại, dù tổng thống khuyên chúng ta nên quên cuộc chiến tranh này đi và nhìn về tương lai, Việt Nam vẫn là một cố gắng to lớn của nước Mỹ”.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng của bản lĩnh, sức mạnh và trí tuệ Việt Nam, chiến thắng của chiến tranh nhân dân Việt Nam, trong đó sức mạnh chính trị - tinh thần là nhân tố cơ bản, hàng đầu, quyết định.

Sức mạnh ấy là sự kết tinh, hội tụ sức mạnh của toàn dân tộc không chỉ trong hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ mà là sự phát huy đến đỉnh cao sức mạnh của cả dân tộc và thời đại vào cuộc chiến chiến lược đánh bại kẻ thù xâm lược; là sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng với đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là sức mạnh lớn của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa và sức mạnh của tiền tuyến lớn miền Nam đã kiên trung, anh dũng, kiên quyết đứng lên chống kẻ thù xâm lược. Đó là sức mạnh tổng hợp của đất nước, kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại, được quy tụ và phát huy cao độ trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Võ Hà


(1) Ban Liên lạc Binh địch vận Quảng Đà: Cuộc chiến trong lòng địch, Nxb. Đà Nẵng, 2012, tr.24.

(2) Ban Liên lạc Binh địch vận Quảng Đà: nđd, tr.147.

(3) Võ Nguyễn Giáp: Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng, Nxb. Chính trị quốc gia, 2003, tr.178.

;
.
.
.
.
.