Chuyến xe lên Trạm radar 29 thuộc Trung đoàn 290, Sư đoàn Phòng không 375, Quân chủng Phòng không - không quân đóng quân trên đỉnh Sơn Trà hôm nay chỉ toàn phụ nữ. Họ là các cán bộ của Hội LHPN thành phố Đà Nẵng, Hội Phụ nữ quận, huyện, các đơn vị trực thuộc lên tổ chức giao lưu, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trạm radar trong chương trình “Ấm áp tình quân dân” được Hội tổ chức hằng năm.
Phụ nữ thành phố tặng bảng tượng trưng 31 heo con cho cán bộ, chiến sĩ Trạm radar 29. |
Đường lên trạm phải vượt qua gần 10 cây số dốc cao ngoằn ngoèo với hơn chục cua tay áo. Cuối xuân nhưng thời tiết vẫn lạnh như cắt vào da thịt. Chiếc xe rì rì leo dốc, bò trong làn sương mù dày đặc, cách xa khoảng 5m là không thấy mặt người.
Cổng trạm hiện ra đột ngột sau một khúc cua. Đón chúng tôi là sắc áo lính phòng không xanh như màu trời hòa lẫn trong mây trắng bồng bềnh, thật nhẹ nhàng và gần gũi. Ấn tượng nhất với tôi là 3 quả cầu tròn đứng thành hình tam giác, bao quanh doanh trại như 3 pháo đài lừng lững cao hơn tòa nhà 5 tầng, trông thật oai nghiêm.
Thượng úy Phạm Xuân Thưởng, Phó trạm trưởng cho biết, đó chính là 3 trạm quan trắc để cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ quan sát bầu trời. Trạm radar 29 nằm trên lưng chừng bán đảo Sơn Trà, cao so với mực nước biển 621m. Trạm được mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương” với nhiệm vụ quan sát, theo dõi, bảo đảm an toàn một vùng trời rộng lớn của Tổ quốc từ Đồng Hới (Quảng Bình) đến Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), canh gác toàn bộ vùng trời Biển Đông của miền Trung.
Ngoài việc canh gác, Trạm radar 29 còn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là dẫn đường cho các máy bay chiến đấu. Thượng úy Thưởng nói: “Tất cả CBCS ở đây đều luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tập trung cao độ cho nhiệm vụ cả ngày lẫn đêm, quyết tâm không để bầu trời miền Trung bị tập kích bất ngờ”.
Ở trạm radar này, tuy chỉ cách trung tâm thành phố Đà Nẵng trên dưới 10km nhưng nước sinh hoạt là vấn đề vô cùng khó khăn. Mùa mưa, trạm chủ yếu hứng nước mưa từ hệ thống bể chứa bằng xi-măng. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, anh em phải lấy nước dưới suối cách đơn vị 3km, tắm giặt, sinh hoạt, ăn uống đều lấy ở đó.
Tất cả nguồn nước sinh hoạt xong đều tận dụng để tưới rau, tắm heo và nhiều việc khác. Không chỉ vậy, vào mùa mưa, sương muối phủ dày, ẩm ướt cả ngày nên quần áo giặt xong không thể khô. Khổ nhất là vào mùa mưa bão, các anh phải buộc dây thừng từ nhà ở ra đến trạm quan trắc để CBCS lần theo, bám dây, ôm chặt lưng nhau dò dẫm từng bước ra trạm làm nhiệm vụ canh trực.
Thượng úy Cao Văn Tý, Chính trị viên trạm tâm sự: “Để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tất cả CBCS của trạm đều gắn bó, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhau, sống đoàn kết, chan hòa như trong một gia đình. Đến nay, trạm đã kết nghĩa với 17 đơn vị kể cả chính quyền và đoàn thể, trường học. Sự có mặt, giao lưu thường xuyên của các đơn vị kết nghĩa nơi lưng chừng núi này đã trở thành động lực lớn để CBCS nơi đây yên tâm canh trời”.
Chuyến thăm của Hội LHPN thành phố không chỉ là một món quà tinh thần vô giá với anh em trạm. Trong chuyến đi này, các chị còn tặng trạm một đàn 63 chú heo con làm giống. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN thành phố Đà Nẵng cho biết: “Ra đời đã 3 năm nay, chương trình tặng heo “Ấm áp tình quân dân” từ kinh phí quyên góp của hội viên phụ nữ Đà Nẵng đã góp phần để Trạm radar 29 có thêm nguồn thực phẩm dồi dào, thường xuyên. Những năm tới, Hội phụ nữ sẽ tiếp tục duy trì chương trình này và sẽ tặng thêm nhiều món quà thiết thực hơn nữa để góp phần giảm bớt khó khăn cho anh em bộ đội”.
Những năm qua, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đều đặn lên thăm, động viên CBCS, năm 2015 tặng trạm một xe máy để phục vụ việc xuống núi đi chợ hằng ngày. UBND quận Sơn Trà tặng bình lọc nước, máy sấy quần áo.
Buổi giao lưu của gần 60 chị em với CBCS của trạm diễn ra trong những nụ cười, những bài hát sôi nổi, hào hứng và tiếng vỗ tay không ngừng. Thực phẩm chính cho buổi liên hoan gồm “đặc sản” 6 món ăn chế biến từ chính chú heo nặng 120kg của Hội LHPN quận Sơn Trà tặng năm ngoái đã được anh em chăm sóc vỗ béo. Những người mẹ, người chị - hậu phương vững chắc nhất của người lính đến đây, cảm nhận bằng mắt, bằng trái tim cuộc sống thực sự của các chiến sĩ. Lưu luyến mãi không muốn rời, những vòng ôm thắm thiết, cái nắm tay thật chặt, và có cả nước mắt bất chợt rưng rưng. Cái lạnh giá của ngày cuối xuân trên đỉnh Sơn Trà không còn hiện hữu. Sự nồng ấm thân thương của tình quân dân thắm thiết như chan hòa, lan tỏa khắp nơi.
HỒNG HẠNH