Những cái gì dễ thì đã khai thác gần như tối đa rồi và thành phố cần phải tập trung hơn vào những cải cách mang tính chất mạnh mẽ, đột phá mới, khác biệt nhằm tạo ra sự cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn so với năm 2015.
Đó là những chia sẻ của Chủ tịch UBND thành phố HUỲNH ĐỨC THƠ (ảnh) với phóng viên Báo Đà Nẵng ngay sau khi Đà Nẵng nhận giải thưởng dẫn đầu năm 2015 và là năm thứ ba liên tiếp về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Cùng với việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đột phá mới để tạo môi trường thúc đẩy phát triển. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
* Đà Nẵng liên tiếp dẫn đầu PCI trong 3 năm liền (2013, 2014 và 2015) và là năm thứ sáu đứng ở ngôi vị này. Để có được kết quả ấn tượng đó, chính quyền thành phố đã nỗ lực như thế nào, thưa Chủ tịch?
- Chúng tôi rất phấn khởi và vui mừng vì không những Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu PCI năm 2015 mà điều quan trọng hơn là đã vượt lên chính mình so với kết quả năm 2014. Tổng số điểm đánh giá về PCI của năm 2014, Đà Nẵng chỉ đạt 66,87 điểm.
Với số điểm đó, năm nay chưa có tỉnh, thành phố nào vượt lên thì Đà Nẵng đã vượt lên trên khoảng gần 2 điểm (68,34). Trong năm 2015, Đà Nẵng đã nhận thức rất rõ những điểm yếu đối với các chỉ số thành phần, liên quan đến công việc điều hành của thành phố, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Chúng tôi không những quan tâm đến những điểm yếu mà tiếp tục phát huy những điểm mạnh. Do đó, thành phố cố gắng tập trung, cải thiện hầu như toàn bộ trong 10 chỉ số thành phần và đạt được số điểm cao như lần này.
Thực tình mà nói, chúng tôi đã rất hồi hộp, không biết rằng sau những nỗ lực rất lớn của mình trong những cải cách toàn diện như vậy thì cộng đồng doanh nghiệp đánh giá như thế nào. Nhưng quả thực rất là mừng khi cộng đồng doanh nghiệp có những nhìn nhận hết sức chính xác và thiện cảm đối với kết quả điều hành của chính quyền thành phố trong thời gian qua.
* Mỗi năm đều có bối cảnh, điều kiện kinh doanh, môi trường kinh tế-xã hội khác nhau. Khác với những năm trước, năm qua, Đà Nẵng đã tập trung vào những chỉ số nào để nâng cao vị thế cạnh tranh; và năm 2016, thành phố sẽ có những chuẩn bị gì để tiếp tục bứt phá?
- Năm 2015, thành phố không có sự bứt phá và tiến bộ nhiều ở lĩnh vực tiếp cận về đất đai, về chỉ số không chính thức - điều đó đã có trong báo cáo chính thức của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đó là kết quả dẫn chung.
Tuy nhiên, có những nỗ lực vượt trội trong 7 chỉ số còn lại, trong đó có chỉ số tăng cường tính minh bạch, chi phí gia nhập thị trường, dịch vụ hỗ trợ pháp lý, đào tạo về lao động, rồi các chỉ số khác đều có những cải thiện đáng kể.
Trong năm 2016, Đà Nẵng tiếp tục đặt ra cho mình những thách thức mới, những yêu cầu phải cải tiến nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa và sâu sắc hơn nữa. Như đã biết thì điểm số tối đa mà địa phương đứng đầu (Đà Nẵng – PV) đạt được mới chỉ 68,34 điểm thôi.
Rõ ràng, ở phía sau, rất nhiều các tỉnh, thành phố khác cũng cạnh tranh quyết liệt để cải thiện vị thế của họ. Và những cái gì dễ (chỉ số thành phần - PV) thì đã khai thác gần như tối đa rồi, vì vậy, thành phố cần phải tập trung hơn vào những cải cách mang tính chất mạnh mẽ, đột phá mới, khác biệt nhằm tạo ra sự cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn so với năm 2015.
* Thưa Chủ tịch, năm 2015, Đà Nẵng đã có những giải pháp xử lý phản ánh từ phía doanh nghiệp như thế nào trong giải quyết khó khăn, vướng mắc?
- Năm 2015, Đà Nẵng đã tạo ra nhiều kênh thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài những cách truyền thống như tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, thành phố còn mở hết tất cả những hộp thư điện tử của tất cả các cấp lãnh đạo, kể cả sử dụng các trang mạng xã hội - chẳng hạn như trang quản lý đô thị qua facebook, nơi tất cả mọi vấn đề thắc mắc của người dân và doanh nghiệp đều có thể phản ánh qua đó; hay hộp thư điện tử của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố và các địa phương.
Việc chính quyền tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp không phải cứ định kỳ, theo ngày tháng định sẵn, mà hầu như lúc nào chính quyền cũng có thể tiếp cận doanh nghiệp với tâm lý rất thoải mái. Cho nên, tất cả những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp hầu hết có thể được ghi nhận và trực tiếp xử lý với kết quả tốt.
* Như vậy có thể đánh giá như thế nào về hiệu quả thu hút đầu tư năm nay so với các năm trước?
- Rõ ràng không có sự tương quan tỷ lệ thuận vấn đề vị trí PCI với thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Như đã nói, Đà Nẵng tìm ra những nguyên nhân “đất lành chim ít đậu” không chỉ 3 năm mới đây, mà 11 năm qua, đã có tới 6 lần Đà Nẵng đứng đầu cả nước, 3 lần đứng thứ 2...
Như vậy năng lực cạnh tranh rất là tốt, nhưng để một nhà đầu tư quyết định đầu tư tại địa điểm nào đó, dĩ nhiên phải mang lại hiệu quả nhiều nhất. Mà chỉ số hiệu quả của nhà đầu tư không quyết định hoàn toàn trong PCI, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa như thị trường, cơ sở hạ tầng và những lợi thế khác.
Tôi cho rằng, Đà Nẵng vẫn còn yếu so với thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài và chúng tôi cũng đặt ra những mục tiêu phấn đấu mới và đưa ra những giải pháp để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hiện Đà Nẵng thu hút được gần 300 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư 3,5 tỷ USD, trong đó giải ngân được khoảng một nửa.
* Vậy đâu là nguyên nhân thu hút đầu tư nước ngoài còn thấp? Đà Nẵng cần khắc phục những vấn đề gì?
- Không chỉ Đà Nẵng mà chung cả dải đất miền Trung thu hút đầu tư nước ngoài gặp khó khăn vì những điều kiện bất lợi. Ví dụ, thị trường của miền Trung và Đà Nẵng cũng như vùng phụ cận còn khá là nhỏ so với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm kinh tế lớn.
Sau nữa là hạ tầng, khí hậu… kể cả về giao thông, nhiều yếu tố mà chúng tôi dần dần khắc phục và thay đổi, để cải thiện môi trường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tháng 4 năm trước, Đà Nẵng được VCCI công bố kết quả PCI tiếp tục dẫn đầu cả nước, nhưng cũng đồng thời đưa ra những cảnh báo thực tế về sự “thiếu hấp dẫn” đối với nhà đầu tư nước ngoài, những nguy cơ suy giảm điểm số và thứ hạng của các chỉ số thành phần liên quan đến tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý và cạnh tranh bình đẳng.
Lãnh đạo thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo với tinh thần hết sức nghiêm túc, thảo luận tìm ra những nguyên nhân cụ thể của tình trạng “đất lành, nhưng chim không đậu”; chỉ rõ những lĩnh vực còn yếu, những đơn vị cần chấn chỉnh, cải tổ để mang lại sự cải thiện tích cực cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Vì sao “đất lành nhưng chim còn ít đậu”, liên tục dẫn đầu PCI, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn? Đó là bài toán mà chúng ta phải giải. Để giải bài toán thu hút đầu tư FDI không phải chỉ một yếu tố là PCI, mà phải cải thiện cho toàn bộ doanh nghiệp
Còn kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài, họ có đến Đà Nẵng hay không còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, rằng dự án họ đến đó có sinh lợi hay không, làm gì để dự án đó sinh lợi… Chúng ta phải nỗ lực khắc phục nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng giao thông, thị trường, công nghiệp hỗ trợ… Ví dụ là làm sao để Đà Nẵng có một nền công nghiệp phụ trợ thật tốt, từ đó nhà đầu tư nước ngoài giảm được những chi phí cho sản phẩm.
Muốn được như vậy, vẫn còn nhiều thứ cần phải làm lắm, chứ không chỉ là cải thiện PCI.
* Cảm ơn Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ về cuộc trao đổi này.
* Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Phan Hải: Nâng tầm phấn đấu ở khu vực Chúng tôi - những doanh nhân của thành phố rất vui mừng khi nghe tin Đà Nẵng tiếp tục giữ vững ngôi đầu PCI năm thứ 3 liên tục. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ thỏa mãn với thứ hạng đứng đầu 63 tỉnh, thành phố mà đã đến lúc Đà Nẵng phải đặt mục tiêu có một môi trường khởi sự doanh nghiệp tốt nhất trong các thành phố lớn của khu vực ASEAN. Tôi cho rằng Đà Nẵng đã hội đủ các điều kiện để hướng đến mục tiêu này. PCI năm 2015 lần đầu tiên có một chương riêng đánh giá góc nhìn của doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với PCI. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng trở thành động lực phát triển của những thị trường mới nổi trong xu thế hội nhập. Đại đa số doanh nghiệp của Đà Nẵng cũng ở quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Tôi cho rằng để thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển phải giải quyết các vấn đề cản ngại mà báo cáo PCI 2015 đã đề cập. Năm Doanh nghiệp 2014, Đà Nẵng cũng đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng chưa đủ, cần phải xây dựng một trung tâm hỗ trợ hoặc một ban điều phối hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành phố vừa triển khai mô hình “Vườn ươm doanh nghiệp”, song cần phải tổ chức triển khai nhanh, quyết liệt hơn nữa để Đà Nẵng có một lực hút mạnh, sớm trở thành thành phố khởi nghiệp cho cả doanh nghiệp trong và ngoài thành phố cũng như doanh nghiệp FDI. * Giám đốc Công ty CP Xây dựng và đầu tư Đà Nẵng (DINCO) Lê Trường KỸ: Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hội nhập quốc tế Tôi không bất ngờ khi nghe tin Đà Nẵng tiếp tục giữ vững thứ hạng đứng đầu PCI 2015. Thành phố đã giữ được môi trường kinh doanh rất tốt. Tôi từng làm thủ tục thành lập doanh nghiệp ở nơi khác, phải thông qua “dịch vụ” mới xong, trong khi ở Đà Nẵng thì không phải tốn khoản chi phí không chính thức này. Cơ quan Thuế của thành phố cũng tốt, mỗi khi có chính sách mới về thuế, họ đều chủ động tập huấn cho doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng, Đà Nẵng cần tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh tốt, hướng đến thu hút những doanh nghiệp ở các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao, không gây ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp lớn đều bắt đầu từ doanh nghiệp nhỏ. Thành phố cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển trong xu thế hội nhập ở các lĩnh vực: Thông tin thị trường, thông tin đối tác, đào tạo quản lý doanh nghiệp, vốn, đổi mới công nghệ… Công tác tuyên truyền cũng cần làm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận thức kinh doanh trong môi trường hội nhập phải minh bạch, trung thực về báo cáo tài chính cũng như thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Như vậy mới tiếp cận được vốn vay và tạo được niềm tin với đối tác nước ngoài. HOÀNG ANH ghi |
DUYÊN ANH thực hiện