Chính trị - Xã hội
Gia tăng nạn xin ăn biến tướng
Hiện nay, tình trạng xin ăn, xin ăn biến tướng tại Đà Nẵng có chiều hướng gia tăng nhanh với 86 đối tượng xin ăn, xin ăn biến tướng bị xử lý chỉ trong 3 tháng đầu năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thông tin này được đề cập tại hội nghị bàn biện pháp xử lý hành vi xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách, do Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 7-4.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Trần Chí Cường cho biết: “Trên địa bàn Đà Nẵng đã xuất hiện trở lại hành vi xin ăn, xin ăn biến tướng. Có những vụ việc người dân phát hiện, báo cơ quan chức năng, nhưng đến gần 1 giờ sau mới thấy lực lượng chức năng đến và lúc đó đối tượng đã đi nơi khác”.
Phó Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Văn Chính cho rằng, nạn bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách hiện có những biến tướng như dùng loa hát vọng cổ, hát nhạc, thổi sáo ngay trong khách sạn, nhà hàng, sau đó chèo kéo khách mua hàng, nhưng chủ cơ sở kinh doanh vẫn để những hành vi này tái diễn nhiều lần.
Mặt khác, công tác phối hợp xử lý các hành vi xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách chưa thường xuyên và hiện tượng lợi dụng trẻ em, người tàn tật để xin ăn xuất hiện nhiều, nhất là ở các khu du lịch, các vùng ven, kể cả trên một số tuyến đường trung tâm thành phố.
Trong khi đó, đại diện các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê cho rằng, phần lớn đối tượng xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách là người ở các tỉnh, thành phố khác đến, thuộc diện khó khăn, nên khó áp dụng biện pháp phạt tiền. Giải pháp tối ưu là vận động và hỗ trợ kinh phí đưa họ trở về quê.
Nhiều đại biểu nêu ý kiến, các đối tượng xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách hoạt động cả ngày nghỉ, ngày lễ, trong và ngoài giờ hành chính nhưng lực lượng chức năng chỉ làm việc trong giờ hành chính, ngoại trừ những đợt cao điểm, nên rất khó xử lý đối tượng.
Bởi vậy, thành phố cần có chế độ thù lao để khuyến khích các lực lượng chức năng làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ thì mới đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn hành vi xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trần Công Nguyên nhấn mạnh: Quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương phải thường xuyên, đồng bộ và chặt chẽ hơn. “Phải triển khai cho tất cả chủ cơ sở kinh doanh làm cam kết không cho đối tượng xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong trá hình hoạt động tại cơ sở của mình; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân và du khách nói không với vấn nạn này.
Ngoài ra, phải tăng cường vai trò của chính quyền phường, xã và đội quy tắc các quận, huyện trong việc xử lý hành vi xin ăn, xin ăn biến tướng và bán hàng rong chèo kéo khách”, ông Nguyên nói.
Đợt ra quân đồng loạt trên toàn thành phố để xử lý tình trạng xin ăn, xin ăn biến tướng, bán hàng rong đeo bám, chèo kéo khách dự kiến được tổ chức vào dịp 30-4 và 1-5. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương thống nhất tăng cường công tác tuyên truyền tại các chợ, chùa, khu du lịch, khu dân cư; áp dụng biện pháp xử lý mạnh về hành chính, tịch thu tang vật đối với các đối tượng vi phạm; đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng trẻ em, người khuyết tật để bán hàng rong và xin ăn; tiếp tục rà soát, phân loại, gặp mặt đối tượng bán hàng rong, lang thang để giáo dục, cho làm cam kết thực hiện đúng các quy định của thành phố và có biện pháp hỗ trợ phù hợp, v.v…
LÊ VĂN THƠM