Cũng với phấn trắng bảng đen, cũng trong vai trò người đưa đò, nhưng những giáo viên Việt Nam ở Trung tâm Tiếng Việt Savannakhet (Lào) mang trong mình sứ mệnh cao cả hơn là gieo tình yêu văn hóa Việt đến người dân Lào, thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt - Lào.
Thầy Nguyễn Văn Đức (trái) và cô Nguyễn Thị Hồng Minh (phải) cùng ông Vilaysone Phomilat, Giám đốc Trung tâm Tiếng Việt Savannakhet. |
Trung tâm Tiếng Việt Savannakhet, do thành phố Đà Nẵng hỗ trợ đầu tư có 7 giáo viên. Trong đó, có 2 giáo viên người Việt Nam là cô Nguyễn Thị Hồng Minh (58 tuổi) đến từ Đà Nẵng và thầy Nguyễn Văn Đức (40 tuổi) đến từ Hà Tĩnh.
Tình yêu phấn trắng, bảng đen
Mấy chục năm gắn bó với sự nghiệp trồng người tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), đến tuổi nghỉ hưu, tình yêu nghề đã thôi thúc cô Hồng Minh xung phong sang dạy tiếng Việt ở Lào. Tính đến nay, cô Minh đã có 4 năm dạy tiếng Việt trên đất Lào, trong đó có một năm ở Trung tâm Tiếng Việt Champasak và 3 năm tại Trung tâm Tiếng Việt Savannakhet.
Những ngày đầu đứng trên bục giảng nơi xứ người, khó khăn trong giao tiếp và văn hóa đôi lúc khiến cô thèm không khí ấm cúng của gia đình, muốn được quây quần bên con cháu như những bạn đồng trang lứa. Nhưng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua.
Cô chia sẻ: “Chỉ cần được đứng trên bục giảng, ở đâu cũng được, là vui lắm rồi”. Nhiều ngày cô dạy cả ba ca sáng - chiều - tối nhưng chỉ cần nghe học sinh nói được tiếng Việt thì mọi mệt mỏi dường như tan biến. Cô Minh bồi hồi: “Học sinh thường hỏi mình những câu như: Cô ơi, sao tên cô dài thế? Việt Nam có gì đẹp? Đà Nẵng có biển chắc thích lắm?… Em nào nói sành tiếng Việt là tíu tít kể mình nghe đủ chuyện về cuộc sống. Thấy thương lắm!”.
Với thầy Nguyễn Văn Đức, vốn là sinh viên tiếng Lào, khoa Ngôn ngữ (Đại học Quốc gia Lào), có đến 10 năm sinh sống và làm việc trên đất nước bạn nên thầy luôn xem Lào là quê hương thứ hai. Ba năm dạy tiếng Việt ở Trung tâm, hầu hết học viên là cán bộ Lào nên thầy Đức luôn dặn mình rằng, sự tận tụy dạy học vẫn chưa đủ mà cần phải khéo léo trong giao tiếp để giữ hình ảnh tốt đẹp về người Việt Nam.
Thầy Đức cho hay, người mới học tiếng Việt đều thường mắc các lỗi phát âm như: “r” thành “l”, “g” thành “c”, “tr” thành “ch”… Vì vậy, thầy thường nghĩ ra những “mẹo” nho nhỏ để học viên dễ nhớ, mau đi vào bài học. “Thật may là người Lào rất chăm học, chịu khó nên mình ít gặp khó khăn khi dạy”, thầy Đức bộc bạch.
Không chỉ dạy chữ
Tại Lào, có thể bắt gặp nhiều bảng hiệu tiếng Việt xen lẫn tiếng Lào, thậm chí chỉ có tiếng Việt. Việc người Lào biết nói tiếng Việt cũng không hiếm gặp. Đặc biệt, trong 4 năm trở lại đây, Chính phủ Lào xem tiếng Việt là một ngoại ngữ chính nên các lớp học tiếng Việt liên tục được mở, thu hút nhiều người theo học. Đây cũng chính là động lực để những giáo viên Việt Nam như cô Minh, thầy Đức thêm gắn bó với công việc của mình trên nước bạn.
Trong quá trình dạy học, cô Minh, thầy Đức luôn chủ động giới thiệu về văn hóa Việt, mối quan hệ lâu bền giữa hai nước Việt - Lào, về tình hữu nghị, hợp tác giữa Đà Nẵng và các tỉnh Nam Lào trong nhiều năm qua. “Cứ mỗi lần chúng tôi kể về Việt Nam, các học viên hào hứng lắm. Nhiều học viên nói rằng sau này sẽ đến tham quan chùa Một Cột, vịnh Hạ Long, chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành...”, thầy Đức kể.
Hiểu tấm lòng của các thầy cô giáo Việt nên những dịp như Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Tết truyền thống của Lào hay Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Ban Giám đốc Trung tâm, cán bộ và học sinh Lào đều dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đến hai thầy cô.
Ông Vilaysone Phomilat, Giám đốc Trung tâm Tiếng Việt Savannakhet chia sẻ: “Hiện tại, Trung tâm có khu nội trú riêng cho những giáo viên như cô Minh, thầy Đức, rất khang trang, sạch, đẹp. Nhờ có các thầy cô giáo người Việt mà người dân và cán bộ Lào biết nói tiếng Việt, sang Việt Nam học tập cũng đỡ vất vả hơn”.
Còn về phần cô Minh và thầy Đức, chương trình dạy học giữa Đà Nẵng và Trung tâm chỉ ký kết từng năm nhưng cả hai thầy cô đều tự nhủ rằng, khi còn sức thì vẫn tiếp tục công việc này để gieo tình yêu văn hóa Việt đến người dân Lào.
Bài và ảnh: BÌNH AN