.

Hòa Khê xây dựng lối sống văn minh đô thị

Dù việc triển khai xây dựng “Năm văn hóa, văn minh đô thị” trên địa bàn có những thuận lợi nhưng Chủ tịch UBND phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) Lê Trung Minh Tân không phủ nhận những khó khăn: “Do có nhiều hộ tiểu thương, buôn bán nhỏ lẻ cùng với chợ Thanh Khê 1 đang hoạt động nên chúng tôi gặp những khó khăn nhất định. Cho nên, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nhưng không ảnh hưởng đến đời sống của người dân là nỗi trăn trở rất lớn với chúng tôi”.

Cùng với những hoạt động tuyên truyền, tổ chức các đợt ra quân lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự vỉa hè; dọn dẹp vệ sinh; tạo mảng xanh đô thị trên tuyến đường Điện Biên Phủ; xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, phường Hòa Khê còn vận động toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa và giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng.

Các trường hợp là cư dân của phường bán hàng rong, chèo kéo, đeo bám khách du lịch đã và đang được giải quyết rốt ráo nhưng không ảnh hưởng đến cuộc mưu sinh; điều quan trọng là lãnh đạo phường luôn quan tâm giải quyết tận gốc vấn đề.

Từ quý 2-2015, phường Hòa Khê lập danh sách các đối tượng trên để nhắc nhở, đồng thời xây dựng những giải pháp thiết thực để giúp hơn 20 hộ nghèo của phường đang bán hàng rong có được “chiếc cần câu”, thay vì chỉ giúp họ “con cá”!

Anh Trần Thanh Tâm, cán bộ Văn phòng UBND phường thừa nhận, không khó để dẹp được nạn bán hàng rong, chèo kéo bằng các biện pháp hành chính. Song, làm thế nào để cuộc sống của hơn 20 hộ nghèo là người dân địa phương vượt qua khó khăn cũng như phường xây dựng được nếp sống văn hóa, văn minh đô thị bền vững mới là điều mà phường Hòa Khê hướng đến.

Bên cạnh việc phối hợp các hội, đoàn thể tuyên truyền, phường đề xuất Phòng LĐ-TB&XH quận hỗ trợ, kết hợp Quỹ Vì người nghèo giúp đỡ một số hộ nghèo phương tiện sinh kế. Đồng thời, lãnh đạo phường còn vận động các mạnh thường quân và sử dụng thêm nguồn kinh phí Mặt trận phường hỗ trợ 7 đối tượng nghèo, bán hàng rong chuyển đổi việc làm.

Ngoài ra, phường phối hợp với Hội Nông dân tạo việc làm cho 3 đối tượng bán hàng rong, chuyển sang sản xuất nấm bào ngư, giúp 2 người tự mở cơ sở sản xuất kinh doanh. Không những thế, đi đôi với việc dọn dẹp vệ sinh các lô đất trống để những khu vực này không biến thành “điểm nóng” về tệ nạn xã hội, lãnh đạo phường linh động cho một số hộ dân được tạm thời sử dụng làm địa điểm kinh doanh, buôn bán…

Với cách làm đậm tính nhân văn ấy của phường, hộ gia đình của bà Đặng Thị Chân (tổ 69), bà Thái Thị Y (tổ 5), bà Nguyễn Thị Bích Liên (tổ 1), bà Châu Thị Bé (tổ 15), bà Nguyễn Thị Thanh Hải (tổ 69), ông Lê Chiến (tổ 6), bà Phạm Thị Liên (tổ 5), bà Nguyễn Thị Hường (tổ 20), bà Lê Thị Bích (tổ 22)… đã có điều kiện chuyển đổi việc làm. Cũng từ sự quan tâm của lãnh đạo phường, tại lô đất trống (số 164 Trần Xuân Lê), ông Trịnh Văn Đồng (tổ 53) có điều kiện mở một tiệm sửa xe.

Ông Đồng không giấu được cảm xúc: “Trước đây, tôi làm rất nhiều việc, từ đi bán ví dạo cho đến thợ hồ, thuê địa điểm sửa xe… nhưng vẫn không đủ ăn. Vợ tôi đi làm giúp việc nhà. Thu nhập của cả gia đình chỉ chừng 5 triệu đồng nên cuộc sống của cả nhà với 5 con người hết sức khó khăn. Hiện tại, dù mức thu nhập chưa cao nhưng bản thân có được công việc ổn định nên tôi cũng đỡ lo lắng. Nếu không có sự quan tâm của chính quyền, tôi chẳng biết gia đình mình sẽ xoay xở như thế nào…”.

Chính cách làm đậm chất nhân văn ấy đã tạo nền tảng vững chắc trong việc thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” ở phường Hòa Khê. Bởi lẽ, tạo được sự đồng thuận của người dân, đó là yếu tố quyết định của việc thực hiện văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn

BẢO AN

;
.
.
.
.
.