Chính trị - Xã hội
Hòa Vang anh hùng từ 29-3-1975
Ngay sau ngày giải phóng Hòa Vang 28-3 và thành phố Đà Nẵng 29-3-1975, cán bộ và nhân dân Hòa Vang nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lực lượng, phục hồi sản xuất đồng thời điều động lực lượng, huy động lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ngày 28-3-1975, huyện Hòa Vang đã được hoàn toàn giải phóng. Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Hòa Vang anh hùng vô cùng phấn khởi, tự hào về những chiến công đã giành được; góp phần vào cuộc nổi dậy và tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng chỉ một ngày sau đó.
Sau giải phóng, Hòa Vang gặp nhiều khó khăn. Trường học, trạm xá bị chiến tranh phá; hàng ngàn người trở thành nạn nhân chiến tranh; ruộng đồng, nương rẫy đầy rẫy bom mìn. Mặt khác, bọn địch tan rã hàng nghìn tên, các tổ chức phản động của chế độ cũ vẫn còn lén lút hoạt động ở nhiều nơi, tình trạng thiếu cơm lạt muối, đói kém, thất học đã liên tục diễn ra.
Ngay thời điểm này, thực hiện chỉ thị của cấp trên và bằng sự sáng tạo, linh động, kịp thời của cán bộ và nhân dân Hòa Vang đã nỗ lực thực hiện một số công việc cấp bách trước mắt. Đó là, tiếp tục truy bóc, triệt hại toàn bộ cơ sở và tổ chức của địch còn lén lút hoạt động, nhanh chóng ổn định an ninh trật tự, xóa bỏ tư tưởng và tàn dư văn hóa của chế độ cũ để lại.
Luôn luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, phát huy thắng lợi và truyền thống cách mạng của nhân dân Hòa Vang. Đề cao tư tưởng kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia tổ chức xây dựng chính quyền và các lực lượng cách mạng ở địa phương.
Sáng 30-3-1975, Hòa Vang đã nhận được lệnh trên nhanh chóng thành lập ủy ban quân quản các cấp; giải tán ngay bộ máy ngụy quân ngụy quyền và các đảng phái phản động. Hòa Vang tổ chức thành lập ngay Ủy ban quân quản các khu I, khu II, khu III, ủy ban quân quản các khu, cấp trên quyết định một đồng chí có nhiều kinh nghiệm, có uy tín, có đức có tài chỉ huy lãnh đạo, làm trưởng ban.
Các xã, thị trấn trên địa bàn ở các khu cũng hình thành ủy ban quân quản. Tất cả các thôn cũng nhanh chóng ra đời các ban nhân dân tự quản đặt dưới sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng và ủy ban quân quản cấp trên. Nhiệm vụ chính của các ủy ban quân quản, ban nhân dân tự quản là thực hiện hàng loạt công việc khẩn cấp như kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái phản động còn hoạt động lén lút ra trình diện, và thu gom vũ khí của quân địch.
Tiến hành tập trung đưa đi cải tạo, nhất là các thành phần sĩ quan, đảng phái phản động; thu gom trung và thống kê vũ khí của địch để quản lý và nhanh chóng tiếp tục truy quét tận sào huyệt các cơ sở, tổ chức địch, lập lại trật tự an ninh với những giải pháp vững chắc.
Trong thời điểm này, tất cả cán bộ, chiến sĩ của ta luôn luôn thấm nhuần phương châm: “Lấy chính nghĩa để thuyết phục, lấy khoan hồng để cảm hóa, tuyệt đối không trả thù báo oán”; bằng mọi cách, làm cho đối tượng nhận rõ lỗi lầm do chế độ cũ và bản thân họ gây ra để trở về với chân lý, với chính nghĩa, với nhân dân. Thêm vào đó, lực lượng an ninh Hòa Vang cùng với các lực lượng khác của ta truy bắt các đối tượng cố tình lẩn trốn không ra trình diện, các lực lượng ta đã kiên trì giải thích, kêu gọi và thông qua gia đình, bà con, họ hàng trong tộc họ tác động, giải thích hầu hết các đối tượng đã trình diện khai báo.
Từ ngày 31-3 đến ngày 5-4-1975, toàn huyện Hòa Vang có 11.717 sĩ quan, binh lính địch ra trình diện đăng ký. Trong đó, có 88 sĩ quan cấp tá, 255 sĩ quan cấp úy, 120 ngụy quân cấp huyện, xã và cảnh sát, tình báo, binh lính.
Trên cơ sở kê khai, cán bộ chính quyền cách mạng tiến hành phân loại từng chức danh và bàn giao cho các cấp quản lý theo quy định để tổ chức giáo dục học tập đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Một bộ phận nhân viên chế độ cũ được thu dung tiếp tục làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện...
Số đi học tập cải tạo thấm nhuần đường lối chính sách của ta về khoan hồng nhân đạo, yên tâm học tập tốt, không hoang mang lo sợ, lần lượt trở về quê hương làm ăn, xây dựng gia đình và tham gia các hoạt động xã hội có ích cho xóm làng, thôn, xã.
Tuy nhiên, một số ít bọn tàn quân phản động có nợ máu lẩn trốn không chịu ra trình diện, khai báo, lén lút rình rập chống phá cách mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân. Một số tên tìm mọi cách tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương chính sách của chính quyền cách mạng, chúng tổ chức thanh niên “Hùng tâm dũng khí” nhằm gây rối trật tự an toàn, gây hoang mang trong nhân dân.
Với tinh thần tiêu diệt tận gốc bọn phản động, các lực lượng của ta tấn công, truy quét liên tục vào các địa bàn trọng điểm; đập tan, triệt tiêu các tổ chức phản động nói trên. Chúng ta tăng cường cán bộ, bộ đội, du kích vào tham gia đứng chân ở các khu dân cư, tiếp tục phát động quần chúng, xây dựng cơ sở nòng cốt, tiếp tục theo dõi phát hiện tiếp những tên ác ôn có nợ máu, phản động còn ẩn núp để tiếp tục cải tạo và giáo dục. Đợt này ta bắt được 150 tên sĩ quan ác ôn và 48 tên du đãng cướp giật.
Ngoài nhiệm vụ như nói trên, việc thu gom các loại vũ khí, quân trang quân dụng của địch khi thất bại bỏ lại là một nhiệm vụ trước mắt, ưu tiên số một, có ý nghĩa vừa tiêu diệt tận gốc phương tiện kháng ngự của địch, vừa tập hợp vũ khí cung cấp chi viện thêm vũ khí để phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và để đảm bảo nhiệm vụ khác cho ủy ban quân quản các cấp.
Trong ba ngày đầu giải phóng, Hòa Vang đã thu được 5.500 khẩu súng các loại, 1.200 tấn đạn. Đồng thời, huyện Hòa Vang khẩn trương tăng cường lực lượng, huy động lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch Hồ Chí Minh với tinh thần “Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên”.
Ngày 20-4-1975, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định sáp nhập 3 khu CI, II, III thành huyện Hòa Vang, tách xã Điện Sơn sáp nhập lại huyện Điện Bàn và tái lập Đảng bộ huyện Hòa Vang và chỉ đạo Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời.
Tiếp đó, UBND cách mạng lâm thời Đặc khu Quảng Đà ra quyết định thành lập UBND cách mạng lâm thời huyện Hòa Vang. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời chỉ đạo khẩn trương thành lập các phòng, ban trực thuộc Huyện ủy, UBND cách mạng lâm thời và Mặt trận, các đoàn thể, UBND cách mạng lâm thời các xã, ban tự quản thôn để tiếp tục quản lý điều hành các hoạt động của địa phương.
Cũng từ đây, vai trò của ủy ban quân quản các cấp không còn và chấm dứt nhiệm vụ. Mặt trận và các đoàn thể các cấp tuyên truyền phổ biến rộng rãi kịp thời các đường lối, chính sách của Đảng ta đến các tầng lớp nhân dân; tích cực vận động nhân dân đóng góp sức người sức của để xây dựng, tái thiết lại quê hương sau chiến tranh. UBND cách mạng lâm thời huyện, xã nhanh chóng tiếp quản, quản lý, điều hành địa phương; tổ chức phân công cán bộ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt, lựa chọn quần chúng nòng cốt đào tạo cấp tốc để bổ sung vào bộ máy chính quyền.
Một số xã thiếu cán bộ phải trưng dụng cả công chức chế độ cũ để hướng dẫn, tập huấn công việc. Qua thực tiễn, bộ máy xã, thôn dần dần đi vào hoạt động nền nếp và thực hiện thắng lợi chức năng quản lý điều hành trên mọi lĩnh vực trên địa bàn được phân công.
Trong lúc toàn Đảng, toàn dân Hòa Vang hừng hực khí thế khẩn trương tập trung sức người, sức của và tinh thần, vật chất để thực hiện nhiệm vụ sau chiến tranh và vận động toàn lực hướng về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - Thì đúng vào lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Tin chiến thắng đã làm nức lòng quân dân Hòa Vang, Đà Nẵng nói riêng và quân dân cả nước nói chung, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Phương Hồng
(Nguồn: Lịch sử Đảng bộ Hòa Vang)