.
Hội nghị Thành ủy lần thứ 4 (mở rộng)

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng thành phố "4 an"

.

* Chuẩn bị an toàn, chu đáo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND

* Thành lập lại Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố

Sáng 13-4, chủ trì Hội nghị Thành ủy lần thứ 4 (mở rộng), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh yêu cầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố và đại biểu tham dự tập trung bàn giải pháp tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài; siết chặt quản lý thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người dân thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh tặng cờ của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cho 3 tổ chức cơ sở Đảng đạt thành tích xuất sắc giai đoạn 2010-2015.                           Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh tặng cờ của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cho 3 tổ chức cơ sở Đảng đạt thành tích xuất sắc giai đoạn 2010-2015. Ảnh: VIỆT DŨNG

Kinh tế giữ đà tăng trưởng khá

Theo báo cáo tại hội nghị, do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trình bày, kinh tế thành phố tiếp tục giữ đà tăng trưởng khá. Quý 1-2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt 21.700 tỷ đồng, bằng gần 30% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 316 triệu USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Lĩnh vực dịch vụ có bước phát triển mới; tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng đạt 1,04 triệu lượt, tăng gần 20% so với cùng kỳ, doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 3.016 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp tăng 9,3%; sản xuất thủy sản-nông-lâm tăng 3,6%. Thu ngân sách thành phố ước đạt 31,4% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 32,1%.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có bước phát triển. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp diễn ra đúng quy định, quy trình… Việc điều động, sắp xếp, luân chuyển cán bộ được tiến hành nhằm bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành tại các địa phương, đơn vị thông suốt, hiệu quả.

Những vấn đề nổi cộm xuất hiện trong quý 1 được lãnh đạo thành phố tập trung chấn chỉnh như kiềm chế tai nạn giao thông nghiêm trọng và phạm pháp hình sự… Thành phố đã lắp đặt hệ thống camera để theo dõi, điều tiết giao thông và phục vụ công tác phát hiện tội phạm. Nhiều vụ việc xâm phạm rừng bị phát hiện và xử lý triệt để…

Tăng cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư

Một thực trạng đáng lo, dù 3 năm liền Đà Nẵng dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng thu hút đầu tư vẫn đạt thấp và đang có dấu hiệu giảm. Năm 2015, cả nước thu hút hơn 24 tỷ USD vốn cam kết và vốn tăng thêm thì Đà Nẵng chỉ thu hút vỏn vẹn 44,3 triệu USD, xếp thứ 33/53 tỉnh, thành phố về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

3 tháng đầu năm 2016, thành phố cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án với tổng vốn 2,53 triệu USD, giảm 10 dự án và 5,75 triệu USD; cấp bổ sung vốn tăng thêm cho 4 dự án với tổng vốn gần 410.000 USD, giảm 6 dự án với số vốn giảm 6,29 triệu USD; có 1 dự án giảm vốn với tổng vốn giảm là 14,36 triệu USD.

Phân tích nguyên nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí cho rằng, vấn đề xúc tiến đầu tư và sự phối hợp giữa các ngành trong tiếp nhận, cấp phép đầu tư hiện nay chưa tốt: “Trên thực tế, cơ quan xúc tiến phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc giới thiệu chọn địa điểm, công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất…

Thời gian từ khi xác định địa điểm đến khi thực hiện quyền đấu giá sử dụng đất còn kéo dài. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư chưa tập trung một đầu mối, thông tin cung cấp cho nhà đầu tư chưa thực sự nhất quán”.

Theo đề xuất của Cục trưởng Cục Thuế thành phố Trần Văn Miên, để tạo cú hích phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách thì cần thiết phải có nhiều cơ chế ưu đãi hơn nữa để thu hút một vài dự án đầu tư trọng điểm. “Hiện nay, nếu thu thuế mỗi năm tăng khoảng 5% thì đến năm 2020, nguồn thu thành phố đạt khoảng 20.000 tỷ đồng. Như vậy, Đà Nẵng sẽ khó xứng tầm với vai trò là đầu tàu kinh tế động lực của khu vực”, ông Trần Văn Miên nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh, có 3 vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài cần. Đó là chính sách thu hút ưu đãi, nguồn nhân lực tại chỗ và sản phẩm công nghiệp phụ trợ đi kèm. Ông Võ Minh đề nghị thành phố cần ưu tiên xác định lĩnh vực để tăng chính sách ưu đãi theo hướng tạo điều kiện tối đa nhất cho doanh nghiệp. Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho rằng, nếu thành phố không có sự vượt trội so với địa phương khác thì chắc chắn thu hút đầu tư sẽ giảm, thậm chí đã xuất hiện doanh nghiệp đồng ý đầu tư vào Đà Nẵng nhưng sau đó lựa chọn đầu tư tại địa phương khác.  

Xây dựng thành phố “4 an”

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, thời gian đến thành phố cần chuẩn bị tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 22-5. Trong đó, bảo đảm các ứng cử viên phải thật tiêu biểu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chịu trách nhiệm chỉ đạo, phân công các Phó Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện hiệu quả 3 đột phá phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra tại Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. “Các Phó Chủ tịch được phân công và thủ trưởng các ngành có liên quan không triển khai hiệu quả hoặc triển khai ỳ ạch, thiếu quyết liệt thì sẽ bị xem xét về trách nhiệm”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh lưu ý.

Để cải thiện môi trường đầu tư, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đề nghị cần lựa chọn thu hút 1 đến 2 dự án lớn, có tác động mạnh để phát triển kinh tế thành phố. Để làm được điều đó, cần linh hoạt trong việc ban hành cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, giảm phiền hà, giảm khó khăn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần triển khai thu ngân sách hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tốt “Năm văn hóa, văn minh đô thị” hướng vào thực chất bằng những chuyển biến cụ thể, nhất là bảo đảm trật tự đô thị, xây  dựng nếp sống văn hóa, văn minh của người Đà Nẵng.

Trước những lo lắng về thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo thành lập lại Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố và triển khai các hoạt động siết chặt quản lý thực phẩm bẩn.

“Tiểu thương kinh doanh thực phẩm mất an toàn thì phải có chế tài mạnh, không để tiếp tục buôn bán trong hệ thống các chợ của thành phố”, đồng chí Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh. Bí thư Thành ủy đề nghị cần triển khai xây dựng Đà Nẵng theo phương châm “4 an”. Đó là bảo đảm “an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội”. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cần chuẩn bị quy trình thành lập Sở Du lịch thành phố; nghiêm túc triển khai quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020.

Dịp này, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tặng cờ cho 3 Đảng bộ trực thuộc đạt thành tích xuất sắc giai đoạn 2010-2015; Ban Thường vụ Thành ủy tặng bằng khen cho 8 Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn 2010-2015.  

Giá thuê đất còn cao

Theo báo cáo tại hội nghị, so với một số địa phương, chính sách thu hút đầu tư của Đà Nẵng vẫn chưa thật sự cạnh tranh, giá thuê đất vẫn còn cao. Đơn cử, tại KCN Hòa Khánh, giá thuê đất 1 USD/m2/năm, trong khi đó, giá thuê cùng diện tích, cùng thời gian tại KCN Điện Nam-Điện Ngọc chỉ 0,8 USD, có giao thông thuận lợi, nhà xưởng cho thuê giá ưu đãi hơn. Ngoài ra, việc đánh giá tác động môi trường, thời gian cấp giấy chứng nhận, đấu thầu dự án có sử dụng đất của thành phố vẫn còn dài ngày và rườm rà so với một số địa phương khác.

Việt Dũng

;
.
.
.
.
.