Chính trị - Xã hội

Hướng đến mục tiêu "90-90-90"

Cần xóa bỏ kỳ thị

10:43, 28/04/2016 (GMT+7)

Nhằm mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Việt Nam đã cam kết và hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 mà Liên Hợp Quốc đề ra. Cụ thể, đến năm 2020, 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh cũng như giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng, để đạt mục tiêu này, cần phải xóa bỏ kỳ thị với người nhiễm HIV.

Một hoạt động truyền thông phòng, chống HIV tại Đà Nẵng.
Một hoạt động truyền thông phòng, chống HIV tại Đà Nẵng.

Theo thông tin từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS (gọi tắt là Trung tâm - PV), nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư, Trung tâm đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan chú trọng hoạt động truyền thông trực tiếp nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho người dân.

Thông qua nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề, tư vấn sức khỏe, tập huấn kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho các doanh nghiệp, khu dân cư, cung cấp tài liệu truyền thông..., đơn vị đã chuyển tải đến người dân kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, đặc biệt là phổ biến sâu rộng các nội dung Luật Phòng chống HIV/AIDS.

Hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện ở Trung tâm ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Toàn thành phố đã triển khai thực hiện tốt các chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV tập trung cho các nội dung chính là giáo dục đồng đẳng, cấp phát bơm kim tiêm sạch và phát bao cao su miễn phí cho các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tuy nhiên, vẫn còn những người bị bệnh e dè các hoạt động này vì sợ lộ danh tính. “Mình làm nghề giữ trẻ ở một cơ sở tư nhân. Bây giờ, nếu biết mình bị nhiễm HIV, bà chủ sẽ đuổi việc. Mất việc thì ba mẹ con mình không biết lấy tiền đâu để sinh sống nên cũng ngại đi khám”, chị N.T.H (34 tuổi, ở quận Liên Chiểu) thổ lộ. Chị H. quê ở Quảng Ngãi, bị lây nhiễm HIV từ chồng là lái xe đường dài. Khi chồng mất vì HIV cũng là lúc chị H. phát hiện mình bị lây bệnh từ chồng. Sợ xóm làng dị nghị, chị đưa 3 con nhỏ ra Đà Nẵng sinh sống.

Còn với chị L.T.T.V (44 tuổi, quê ở Quảng Nam), ban đầu, chị cũng đắn đo khi tham gia chương trình điều trị HIV/AIDS của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng bởi sợ mọi người biết mình bị nhiễm bệnh. “Sự kỳ thị của cộng đồng còn lớn, nên những người bệnh như tụi mình đâu dám công khai danh tính. Cuộc đời mình thì đã chấp nhận thế rồi nhưng còn tương lai con mình, dù nó không bị nhiễm bệnh nhưng sẽ ra sao nếu bạn bè biết mẹ nó bị nhiễm HIV?”, chị V. lo lắng.

Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Đà Nẵng cho biết, thời gian đến, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi hành vi và các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại; tăng cường tiếp cận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone; đồng thời, đẩy mạnh giám sát phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới; điều trị sớm ARV cho người nhiễm HIV, tăng cường xét nghiệm tải lượng vi-rút cho bệnh nhân để đánh giá hiệu quả điều trị ARV, mở rộng điều trị bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV nhằm nâng cao sức khỏe của người bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.

Theo bà Đào, quan trọng là phải đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng cường hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện và bảo đảm đủ thuốc điều trị ARV cho bệnh nhân. Vận động người dân tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gắn với giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người  bị nhiễm HIV/AIDS là việc làm thường xuyên để giúp người nhiễm HIV có thể được sống và làm việc, chữa bệnh như bao người khác.

Bài và ảnh: THỦY NGÀ

.