.

Không ngã tay chèo

.

Năm 2015, ngư dân Đà Nẵng mang về đất liền hơn 34.000 tấn hải sản các loại với khoảng 7.000 lao động thường xuyên làm việc trên tàu cá, giữa sóng gió dập dềnh. Từ bao đời nay, những người con các làng quê ven biển đã biết đóng ghe, vượt sóng. Giờ, những người đàn ông ăn sóng nói gió bám biển, không chỉ vì chuyện mưu sinh mà còn là sự khẳng định mạnh mẽ họ sẽ không bao giờ rời bỏ những nơi cha ông đã đến và khẳng định chủ quyền.

Tàu cá Đà Nẵng neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, chờ một chuyến biển mới.
Tàu cá Đà Nẵng neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang, chờ một chuyến biển mới.

Mùa trăng, cảng cá Thọ Quang nhộn nhịp người, xe, đặc biệt từ nửa đêm về sáng và buổi trưa, khi cá được chuyển từ các hầm tàu lên bờ. Cá về từ nhiều ngư trường khác nhau: Hoàng Sa, Trường Sa, từ vịnh Bắc bộ. Tàu nào dỡ cá xong thì lùi ra khỏi cầu cảng để tàu khác tiến vào.

Cứ thế, hết một tuần trăng thì bạn thuyền ở các tỉnh lân cận trở lại Đà Nẵng, những tấm lưới được kiểm tra kỹ từng lỗ thủng, chỗ nào rách sẽ được vá lại; người chuyển đá, người coi sóc việc bơm dầu, người sắp xếp đống lương thực vừa được mang về. Những hoạt động nhộn nhịp đó làm cả bến cảng sống động trong vài ngày, rồi chào bờ, chào đất liền, cỡ ngày 19, 20 âm lịch hằng tháng, những chiếc tàu nổ máy ra khơi.

Hàng trăm năm nay, bao thế hệ đã ra khơi, đem cá tôm về cho đất liền, đem sản vật của biển lên núi. Từ xa xưa, vào mùa gió nam, người vùng Thanh Khê dong thuyền ra khơi, đi giã lớn, ra đến Hoàng Sa; người vùng Sơn Trà chủ yếu đi lộng. Nhưng ở đâu, sản vật của biển cho ngư dân, họ chỉ lấy đủ chứ không lấy dư.

Bao đời nay, người Việt đã coi “điền riêng, ngư chung”. Cái gì là của biển, của ngư thì chỉ lấy đủ dùng, còn chia cho người khác. Người miền biển nghĩ vậy nên nghề biển không còn là nghề nữa, mà là nghiệp, là cái duyên, cái tình với biển. Tình yêu với biển vì thế nó thấm thía, mặn nồng, dù có đánh đổi cả mạng sống người ta cũng không oán trách, không xa lánh.  

Sau những trận bão, những cơn cuồng phong, trời yên thì bể lặng. Người đàn ông lại dong thuyền ra khơi. Trước biển, họ nhỏ bé, yếu ớt, nhưng họ thể hiện được ý chí, sức mạnh trước biển cả, sự thuận theo lẽ tự nhiên của những con nước lớn, con nước ròng.

Nhưng, khi những con người không cùng dòng giống, những chiếc tàu to lớn chắn trước mặt đe dọa, trên vùng “ngư chung”, hỏi ai không một lần nao núng, vì ai cũng là con người, có đủ mọi cảm giác vui, buồn, sợ hãi, đớn đau. Một lần rồi vài lần, những người con của biển thừa bản lĩnh, thừa lòng yêu nghề, tiếp tục ra khơi khi nghe cha già nhắn nhủ trong chuyến trở về: mình chỉ làm nghề, trên vùng biển mà cha ông đã từng đánh cá, đó là ngư trường quen, cứ vậy mà làm. Nhờ đó mà anh Phạm Phương, chủ 2 tàu cá ĐNa 90525 và ĐNa 90426 xuống tàu từ hồi 13 tuổi, giờ có hơn 40 năm gắn bó với tàu, với biển.

Ba anh Phương ở Quảng Ngãi, dắt díu vợ con ra Đà Nẵng mấy chục năm nay. Từ một chiếc ghe nhỏ, ba anh làm ăn khấm khá, giúp 5 trong số 6 người con trai gắn với nghiệp biển, đóng gần hai chục chiếc tàu lớn. Giờ các anh em của anh Phương, người nào cũng có 1-2 tàu cá vươn khơi, với ngư trường chủ yếu Hoàng Sa, Trường Sa ra đến vịnh Bắc Bộ.

Anh Nguyễn Văn Phúc, thuyền phó, phụ trách máy của tàu ĐNa 90525, theo nghề hơn 25 năm, anh bảo chưa bao giờ làm nghề biển vất vả như hiện nay bởi sản lượng cá ngày càng ít, phải đi xa hơn mới gặp luồng cá. Được cái là các tàu đều đi theo đội nhóm 3-4 chiếc, dựa vào nhau vừa làm nghề vừa bảo vệ nhau trên biển. Có khi gặp tàu Trung Quốc dọa dẫm, các anh đưa lưới lên ra hiệu đang làm nghề, nhưng bị dọa, bị chiếm ngư trường, có tàu bị kéo rách cả lưới, đành phải thu lưới đi nơi khác.

Giữa biển khơi mênh mông, điều an ủi nhất dành cho những ngư dân là tàu thuyền của bà con đánh bắt gần nhau, khi cần có thể ứng cứu kịp thời, chia nhau ngư trường. Ở trên bờ, chính quyền thành phố hỗ trợ ngư dân dầu máy cho những chuyến biển từ giữa năm 2010 đến nay, rồi hỗ trợ đóng mới, hỗ trợ máy định vị…

Ngư dân Mai Đăng Nhiều, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho rằng, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp ngư dân yên tâm bám biển. Nhưng để có thể sống lâu dài với nghề biển cần những kế hoạch dài hơi hơn, như hỗ trợ kho bảo quản cấp đông, giá cá ở trên bờ phải ổn định chứ hiện nay mùa này cá nhiều thì giá rẻ, mùa đông giá nhỉnh hơn chút đỉnh nhưng vẫn chưa tương xứng với những vất vả mà ngư dân bỏ ra.

Qua bao đời nay, người vùng biển hầu hết gắn với nghề biển. Giờ bám biển khó hơn ngày xưa nên ngư dân phải đóng tàu to, đầu tư máy lớn, phải có các loại máy móc hiện đại hỗ trợ, phải vươn khơi xa để làm nghề.

Ra biển, nơi nào có ngư dân Việt, nơi nào là ngư trường quen, nơi đó con cháu mọi làng biển có thể tự hào cha ông họ ngoài chuyện bám biển mưu sinh, còn khẳng định sự có mặt của người Việt trên các quần đảo chủ quyền được ghi trong sử sách, trên bản đồ. Nói như ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, biển là nguồn sống, biển còn mang tính tâm linh bởi nó gắn bó với nhiều con người, gắn với nhiều thế hệ đi trước, gắn với cả những người đi biển mà không có xác mang về sau những trận cuồng phong. Bởi vậy, người đi biển không bỏ ngư trường truyền thống. Những gia đình nhiều đời gắn bó với biển vẫn hành nghề, đóng mới tàu, thuê bạn thuyền, bám nghề và thúc đẩy nghề cá phát triển.

Đà Nẵng có đường bờ biển dài 92km, vùng lãnh hải với ngư trường rộng lớn 15.000km2, trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 1,14 triệu tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng của cả nước. Hiện nay, số lượng tàu cá của thành phố có công suất từ 400 CV trở lên tăng mạnh lên hơn 200 chiếc.

Các tàu cá đều được lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, các nghề như rê, vây, câu đã chiếm tỷ lệ lớn. Giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển đánh bắt thủy sản xa bờ. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá công suất từ 400CV trở lên, giảm dần tàu công suất dưới 200CV, cải hoán, nâng cấp số lượng tàu công suất lớn trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ khai thác xa bờ, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, 2 năm qua, các tàu hải quân làm nhiệm vụ trên biển tuyên truyền cho trên 800 lượt tàu thuyền đánh cá về Luật Biển 2013, các quy định về chấp hành pháp luật trên biển; thông báo bão cho ngư dân và hướng dẫn các tàu trở về vị trí tránh bão an toàn. Khi các lực lượng khác không thể ra được một số vùng biển, lực lượng hải quân đã cứu được 8 lượt tàu thuyền (năm 2015 và 4 tháng năm 2016) đưa về bờ an toàn.

Bài và ảnh: Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.