Chính trị - Xã hội

Kiện toàn các chức danh trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội

07:43, 06/04/2016 (GMT+7)

* Báo chí không được đưa tin về bí mật đời tư cá nhân

* Xác định “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”

* Hôm nay (6-4), Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ

Sáng 5-4, Quốc hội đã nghe công bố kết quả kiểm phiếu bầu 2 Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng 2 Phó Chủ tịch Quốc hội mới được bầu: Đại tướng Đỗ Bá Tỵ và ông Phùng Quốc Hiển. Ảnh:  TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng 2 Phó Chủ tịch Quốc hội mới được bầu: Đại tướng Đỗ Bá Tỵ và ông Phùng Quốc Hiển. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội. 7 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm: ông Hà Ngọc Chiến (Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc); bà Nguyễn Thúy Anh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội); ông Nguyễn Đức Hải (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương); bà Nguyễn Thanh Hải (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng); bà Lê Thị Nga (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp); ông Trần Văn Túy (Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương) và ông Võ Trọng Việt (Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội.

Chiều cùng ngày, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách và tiến hành bỏ phiếu kín bầu các chức vụ trên. Kết quả: Ông Hà Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Thượng tướng Võ Trọng Việt, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh; bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách; bà Nguyễn Thúy Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội; bà Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng. Ông Hồ Đức Phớc (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An) được giới thiệu bầu và trúng cử chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Sau khi nghe kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết bầu Chủ tịch Hội đồng Dân tộc và 5 Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội với số phiếu lần lượt là 452/455 (91,50% tổng số đại biểu) và 452/454 (91,50% tổng số đại biểu).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Quốc hội tặng hoa chúc mừng 7 người vừa được Quốc hội bầu giữ các chức vụ trên.

* Với 89,47% đại biểu tán thành, sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Luật Báo chí sửa đổi. Luật Báo chí sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 với 6 chương và 61 điều, trong đó quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng; kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Luật cũng quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí gồm: Cơ quan của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ; bệnh viện do cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên quản lý… được thành lập tạp chí khoa học.

Cũng theo Luật Báo chí sửa đổi, công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí như: Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và thành viên của các tổ chức đó.

Trước đó, tại phiên họp chiều ngày 21-3, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Báo chí sửa đổi. Về cơ bản, các ĐBQH tán thành với nội dung của dự thảo Luật và cho rằng dự thảo Luật đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp trước. Đồng thời, các ĐBQH cũng đóng góp thêm ý kiến vào các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật.

Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Có ý kiến cho rằng, Khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân là khó khả thi. Giải trình của UBTVQH cho rằng, quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là thuộc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được hiến định. Báo chí là diễn đàn để công dân thực hiện quyền đó. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi của Luật, Khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí đăng, phát kiến nghị, phê bình của công dân phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đó, chứ không phải đăng phát mọi kiến nghị, phê bình do công dân gửi đến. Về ý kiến của ĐBQH đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, UBTVQH nhận thấy, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.

Cũng trong ngày 5-4, với 89,88% ĐBQH tán thành, Quốc hội thông qua Luật Trẻ em sửa đổi gồm 7 chương, 106 điều. Luật này quy định về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.

Theo Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Trẻ em, đa số các ý kiến thống nhất đổi tên Luật thành Luật Trẻ em. Về độ tuổi trẻ em, nhiều đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về hai phương án (Phương án 1: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”; Phương án 2: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”). Kết quả lấy phiếu cho thấy có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về và 69,25% tổng số đại biểu Quốc hội. Tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, UBTVQH đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại Luật hiện hành. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017.

* Theo chương trình làm việc của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, trong ngày 6-4, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ và thảo luận danh sách đề cử bầu Thủ tướng Chính phủ mới.

B.T tổng hợp

.