.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ăn hải sản ngay tại cảng cá

.

ĐNĐT - Lãnh đạo các sở, ngành phải gương mẫu trong việc sử dụng hải sản, tôi và hơn 1.000 cán bộ Trung tâm hành chính cũng sử dụng hải sản vào bữa trưa. 

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tại buổi gặp gỡ, trò chuyện với ngư dân, tiểu thương, đầu nậu tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang vào chiều 30-4.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cùng lãnh đạo các sở ngành thưởng thức món cá nục ngay tại cảng cá Thọ Quang
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (đội mũ) cùng lãnh đạo các sở, ngành thưởng thức món cá nục ngay tại cảng cá Thọ Quang. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Vừa về từ chuyến công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, nghe thông tin về việc ngư dân Đà Nẵng bị ảnh hưởng từ vụ cá chết dọc biển miền Trung, ngay lập tức Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ có chuyến thực tế và gặp gỡ bà con ngư dân, tiểu thương, đầu nậu tại âu thuyền, cảng cá Thọ Quang.

Đại diện ngư dân tại cảng cá, ông Nguyễn Dinh (Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, trước đây hải sản khi về đến đất liền thì được bán ngay lập tức, nay do thông tin về cá chết dọc biển miền Trung nên cá bán rất chậm, giá rớt đến 70%. Bên cạnh đó lượng bán ra cũng giảm mạnh từ 50 đến 60%, năn nỉ cũng không ai mua.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ hỏi: “Anh đi trên biển có gặp cá chết không?”. Ông Dinh khẳng định, không có tình trạng cá chết, do vậy, ông hy vọng, thành phố sẽ có biện pháp tuyên truyền mạnh, không để người dân hoang mang.

Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cũng yêu cầu ngư dân phải có trách nhiêm khi phát hiện khu vực cá chết phải báo cáo cho cơ quan chức năng và không đánh bắt ở những khu vực này.

Ngư dân Lê Văn Sang, chủ tàu dịch vụ hậu cần ĐNa 90444 cho biết, mấy hôm nay tâm lý của người dân không ăn cá nên bình thường tàu chở về 20-30 tấn, nay chỉ chở hơn một nửa.

Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông, ông Cao Văn Minh cho biết, về mặt kinh tế, ngư dân chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, ông vui mừng khi lần đầu tiên, lãnh đạo thành phố phối hợp cùng các sở, ngành xuống tận nơi để tìm hiểu, xử lý vấn đề. “Nếu tình hình này kéo dài thì ngư dân không đủ khả năng để ra khơi, vì nguồi hải sản khai thác về bán không được. Nghiệp đoàn gần 50 chiếc tàu nhưng đã nằm bờ ½, bạn thuyền bỏ việc, không biết cách nào để khuyến khích đội tàu tiếp tục ra khơi. 

Bếp ăn tập thể TTHC sử dụng cá vào buổi trưa

Báo cáo với chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban khẳng định cá đánh bắt từ ngoài khơi xa là an toàn. Cùng nhận định này, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, trong thời gian qua tại địa bàn thành phố không có trường hợp ngộ độc vì ăn cá. Các ngư dân hoạt động trên biển khơi từ vài tuần đến cả tháng đều sử dụng sản phẩm đánh bắt được nhưng vẫn không có sự cố gì, như vậy, sản phẩm đánh bắt vùng khơi xa là an toàn.

Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị các ngành chức năng phải kiểm soát nguồn cá, khuyến cáo ngư dân không đánh bắt cá gần bờ ở khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế. Kiểm soát các tuyến giao thông, chủ động phát hiện, ngăn chặn nguồn cá không rõ nguồn gốc đưa vào các chợ đầu mối và đưa vào các kênh tiêu thụ trên địa bàn thành phố. Phải kiểm soát các phương tiện để đảm bảo tàu đánh bắt ở các khu vực an toàn.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trò chuyện cùng ngư dân về tình hình tiêu thụ hải sản
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ trò chuyện cùng ngư dân về tình hình tiêu thụ hải sản

Chủ tịch UBND Huỳnh Đức Thơ cũng yêu cầu bếp ăn tập thể tại Trung tâm Hành chính thành phố sử dụng cá vào buổi trưa. “Giám đốc các sở phải ăn cá để làm gương. Tôi cũng sẽ ăn trưa với món cá ở Trung tâm Hành chính và khuyến khích người thân sử dụng các nguồn thuỷ sản. Hơn 1.000 cán bộ, nhân viên Trung tâm Hành chính ăn cá không sao thì người dân ăn cũng không sao. Đây là thông điệp rõ ràng để người dân yên tâm. Đề nghị các đầu nậu không lợi dụng tình hình để ép giá mua hải sản, đề nghị các doanh nghiệp tăng cường công tác thu mua, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, hoạt động tiêu thụ”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, hệ thống phân phối hải sản phải xác nhận và chịu trách nhiệm về nguồn gốc cá để người tiêu dùng an tâm. Các chủ tàu, chủ vựa, các đơn vị bán buôn phải tham gia vào “kênh phân phối cá sạch” từ những khu vực đã được kiểm soát, được cung cấp bởi những nhà cung cấp có uy tín, có đăng ký, đăng kiểm.

Từ 30-4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp mẫu chứng nhận xuất xứ cá cho các chủ tàu để ra khơi. Bên cạnh đó, cần tiếp tục theo dõi, kiểm tra nguồn nước biển để kịp thời phát hiện, cảnh báo nếu có hiện tượng bất thường. Tăng cường kiểm tra, giám sát và thông tin rộng rãi đến tận tổ dân phố, đến tất cả các chợ để người dân yên tâm sử dụng cá.

Đại diện Sở NN-PTNT phát mẫu kê khai nguồn gốc hải sản cho chủ tàu, chủ nậu
Đại diện Sở NN-PTNT phát mẫu kê khai nguồn gốc hải sản cho chủ tàu, chủ nậu. Ảnh: NGỌC PHÚ

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành triển khai đề xuất của các chủ thuyền về tổ chức các điểm bán cá lưu động, tổ chức các buổi tiệc hải sản miễn phí nơi công cộng.

Để khẳng định nguồn hải sản đưa vào Đà Nẵng vẫn an toàn, ngay sau kết thúc cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ và lãnh đạo, nhân viên các sở ngành tham dự cuộc họp đã dùng sản phẩm cá được chế biến từ nguồn cá do các tàu đánh bắt xa bờ đưa về cảng cá Thọ Quang…

.
 
Chế biến món cá nục hấp ngay tại cảng cá Thọ Quang
Chế biến món cá nục hấp ngay tại cảng cá Thọ Quang

 NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.