.

Luật Báo chí sửa đổi: Không quản lý việc phóng viên, nhà báo sử dụng mạng xã hội

.

Luật Báo chí sửa đổi được Quốc hội thông qua sáng nay đã giảm điều kiện thời hạn công tác của nhà báo từ 3 năm xuống 2 năm với nhà báo được cấp thẻ lần đầu, giữ nguyên quy định 5 năm đổi thẻ một lần.

Luật cũng không quản lý việc nhà báo sử dụng mạng xã hội để đưa ý kiến của mình trái với tôn chỉ của cơ quan báo chí như đề xuất của một số đại biểu, bởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc này do cơ quan báo chí có thể tự quy định riêng.

Trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sáng nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: Có ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết phải có sự thống nhất ý kiến bằng văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông khi bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí.

Về việc này, UBTVQH nhận thấy việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc trách nhiệm chính của cơ quan chủ quản báo chí (điểm b khoản 2 Điều 15). Về quy định việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí phải được sự thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông là cần thiết để bảo đảm người đứng đầu cơ quan báo chí phải hội đủ tiêu chuẩn như quy định tại khoản 2 Điều 23.

Thực tế hiện nay, một số cơ quan chủ quản cơ quan báo chí bổ nhiệm tổng biên tập không có nghiệp vụ báo chí, làm ảnh hưởng đến chất lượng của báo. Hơn nữa báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động báo chí cả nước. Cơ quan này rất cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên, mật thiết với người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm bảo đảm đưa thông tin kịp thời, trung thực, lành mạnh đến công chúng.

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về cấp thẻ nhà báo, có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện “phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên” đối với người công tác tại cơ quan báo chí thuộc tổ chức tôn giáo; đề nghị giảm điều kiện phải có thời gian công tác từ “3 năm” xuống còn “2 năm” đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu; đề nghị bổ sung quy định trường hợp người được xét cấp thẻ nhà báo là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự bị kết án mà hết thời hạn thi hành án.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các nội dung trên thể hiện tại Điều 27 dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí.

UBTVQH nhận thấy, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo Luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.

Có ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo (Điều 28). UBTVQH nhận thấy, thực tế hiện nay, có một số trường hợp, người được cấp thẻ nhà báo nhưng không còn làm công việc liên quan đến báo chí, mà vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, UBTVQH đề nghị được giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về phóng viên, người làm báo chưa có thẻ nhà báo. Tiếp thu ý kiến đại biểu, ngoài những quy định về phóng viên đã có tại khoản 5 Điều 24 và khoản 3 Điều 26 dự thảo Luật, UBTVQH đã bổ sung tại khoản 12 Điều 9 như sau: cấm hành vi “Đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Dự thảo Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý gồm có 6 Chương và 61 Điều. Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Báo chí sửa đổi với 442/445 phiếu.

Theo Lao động

;
.
.
.
.
.