.

Mẹ ơi, tại sao?

Thằng bé từ trường mầm non trở về nhà, hớt hải kể với mẹ một chuyện… “động trời” mà cu cậu vừa tận mắt chứng kiến: Có bác vứt mẩu thuốc lá ngay trong sân trường luôn mẹ ơi. Chỗ để xe máy ấy mẹ. Sao bác không bỏ rác vào thùng? Bác chưa được học bài phải bỏ rác vào thùng hả mẹ?...

Mẹ thấy ngượng ngượng khi cố tìm một lời giải đáp thỏa đáng trước cậu nhóc 5 tuổi. Chẳng lẽ trả lời “bác ấy quên”, “bác đã được học nhưng chưa thuộc bài”... Mẹ chỉ biết rằng, có rất nhiều, thậm chí có thể nói là tất cả phụ huynh đều kỳ vọng con của họ được học dưới mái trường sạch sẽ, thơm tho.

Và nếu chẳng may trong lớp con có vài cọng rác không được dọn, sân trường ùn một mụn rác hôi hám hoặc cô giáo vứt rác bừa bãi trước mặt học trò, thì mẹ tin chắc một điều, nhiều phụ huynh sẽ “nhảy dựng” lên “đấu tranh” vì môi trường học đường, và “chấn chỉnh” thái độ của cô giáo, nhằm không để ảnh hưởng đến nhận thức trong trắng của trẻ con!

Còn khi bản thân phụ huynh tự coi chỗ nào cũng là… thùng rác, thì mẹ cũng tin rằng, những “cô, chú” ấy thấy chuyện của mình chẳng có gì đáng phải ầm ĩ lên tiếng phê bình! Phải chăng, chỉ có con trẻ mới cần thuộc những quy tắc, còn người lớn thì có quyền… lớn hơn?

Hôm trước, trường con tổ chức buổi văn nghệ hoành tráng trong nhà hát. Mỗi phụ huynh cầm trên tay một tấm vé có số ghế hẳn hoi, vậy mà nhiều người vẫn “ngồi nhầm”. Đến khi chủ nhân thật sự của chiếc ghế ấy đến, mấy bác bảo vệ cũng đến giải thích và cả giải quyết, nhưng nhiều “cô, chú” cũng cố đôi co, không chịu đứng lên đến đúng số ghế của mình.

Cuối buổi văn nghệ, phụ huynh tập trung ngoài sảnh đợi đón trẻ. Nhà trường đã bố trí việc đón lần lượt từng lớp rất khoa học và chặt chẽ. Các con ra xếp hàng trong trật tự, nhưng phụ huynh của các con thì mẹ đành phải dùng từ “như cái chợ vỡ”. Phụ huynh nào cũng mong ngóng, háo hức đón thiên thần của mình và thế là họ mặc sức chen lấn, gào tên con. Cô giáo đưa tay lên miệng ra dấu phụ huynh vui lòng giữ yên lặng kẻo các cháu hoảng sợ, nhưng rồi cô đành bất lực.

Kết thúc đêm diễn, mỗi cháu ra về với một hộp sữa tươi trên tay. Cha mẹ lo con đói, ai nấy khui sữa ra cho con uống ngay tại chỗ. Không khí yêu thương bao trùm đầy cảm động và lắng lại là... hàng trăm vỏ hộp sữa vương vãi đầy sảnh nhà hát. Nhà hát thật chẳng khác hội chợ ngày bế mạc!

May mà các con bận hồn nhiên múa hát và nôn nóng ra về, nên không chứng kiến những cảnh tượng này để rồi phải thắc mắc như chuyện mẩu thuốc trên kia...

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.