.

Những trường hợp không được lập danh sách cử tri

.

Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tính đến ngày bầu cử, đủ 18 tuổi trở lên (sinh từ ngày 22-5-1998 trở về trước) và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Chế Viết Sơn trao đổi với Báo Đà Nẵng về quy định lập và niêm yết danh sách cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021).

* Thưa ông, cách tính tuổi công dân như thế nào để biết họ được ghi tên vào danh sách cử tri đi bầu cử?

- Tuổi để thực hiện quyền bầu cử của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trên giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2016-2021) đã được ấn định là ngày 22-5-2016. Như vậy, người đủ các điều kiện theo quy định pháp luật được lập danh sách cử tri là người đủ 18 tuổi trở lên, sinh từ ngày 22-5-1998 trở về trước. Trường hợp không có giấy khai sinh thì căn cứ vào hộ khẩu hoặc giấy chứng minh nhân dân.

Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 1 của tháng sinh làm căn cứ tính tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được cả ngày và tháng sinh thì lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh.

* Những trường hợp nào không được ghi tên vào danh sách cử tri và trường hợp nào thì được bổ sung vào danh sách cử tri, thưa ông?

- Theo quy định tại Điều 30 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, những người không được ghi tên vào danh sách cử tri gồm: Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự.

Nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22-5-2016) được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả lại tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự thì được bổ sung vào danh sách cử tri.

Trong thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, những người thay đổi nơi thường trú ra ngoài đơn vị hành chính cấp xã nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú mới để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã (bầu cử 4 cấp).

Những người chuyển đến tạm trú ở nơi khác với đơn vị hành chính cấp xã mà mình đã được ghi tên vào danh sách cử tri và có nguyện vọng tham gia bầu cử ở nơi tạm trú mới thì được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi cư trú cũ và bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú mới để bầu đại biểu QH, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (bầu cử 3 cấp).

Pháp luật cũng quy định người bị kết án tù nhưng được hưởng án treo và trong bản án không ghi mất quyền bầu cử thì vẫn có quyền bầu cử và được ghi tên vào danh sách cử tri nơi mình cư trú.

* Thưa ông, người tâm thần sống trong cộng đồng dân cư nhưng không có xác nhận của cơ quan y tế và người khuyết tật câm, điếc lại không biết chữ có được ghi tên vào danh sách cử tri?

- Như đã nói, người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri. Đối với người tâm thần sống trong cộng đồng nhưng nếu không có điều kiện tổ chức khám, xác nhận của cơ quan y tế mà gia đình của họ có cam kết và chính quyền địa phương xác nhận họ bị tâm thần thì coi như họ mất năng lực hành vi dân sự, không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Người câm, điếc lại không biết chữ vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử. Nếu họ không tự viết được phiếu bầu thì áp dụng quy định: Cử tri nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình kiểm tra và tự bỏ phiếu. Người viết hộ phải giữ bí mật phiếu bầu của cử tri. Nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu bầu thì nhờ người khác bỏ vào hòm phiếu.

* Việc xác định người mất trí trong khi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử của công dân được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Mất trí là tình trạng mất khả năng hoạt động trí óc, khả năng nhận thức… và là một khái niệm của mất năng lực hành vi dân sự. Việc xác định người bị mất năng lực hành vi dân sự được căn cứ vào quyết định của Tòa án hoặc do bệnh viện tâm thần, hoặc chuyên khoa tâm thần của bệnh viện đa khoa. Người mất trí là mất năng lực hành vi dân sự, đương nhiên không được thực hiện quyền ứng cử và bầu cử.

* Cảm ơn ông !

Ngày 12-4-2016, hạn chót để lập danh sách cử tri

Theo quy định tại Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND, chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.

Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án Nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.