.

Nuôi dưỡng truyền thống yêu nước

.

Bằng những câu chuyện kể sinh động, hào hùng, chân thực của mình và của đồng đội, các cựu chiến binh (CCB) quận Ngũ Hành Sơn đã giúp thế hệ trẻ gìn giữ quá khứ, nuôi dưỡng truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Cột mốc chủ quyền Trường Sa của cựu chiến binh Trần Văn Xuất.
Cột mốc chủ quyền Trường Sa của cựu chiến binh Trần Văn Xuất.

Trong đợt hành quân về nguồn, do Hội CCB quận Ngũ Hành Sơn phối hợp tổ chức mới đây, Anh hùng LLVTND Trần Công Dũng đã kể cho các đoàn viên, thanh niên Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn về quá trình xây dựng và những kỳ tích của khu căn cứ lõm K20 (nay thuộc địa bàn phường Khuê Mỹ).

Theo lời người CCB già, dẫu nằm sâu trong vùng địch nhưng nhân dân nơi đây vẫn gan góc, khôn khéo nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích dưới những chiếc hầm bí mật ngay trong nhà, trong vườn của mình, từ đó giáng cho địch những đòn đau ngay trong chính sào huyệt của chúng.

Còn đại tá Hoàng Lê Nghĩa dẫn dắt các bạn trẻ quay ngược lịch sử theo những bước tiến quân thần tốc của Tiểu đoàn 3 (Mặt trận 4 Quảng Đà) trong những ngày cuối tháng 3-1975. Đơn vị này đã đánh dọc ven biển phía đông Đà Nẵng với ý chí giết giặc lập công và sẵn sàng hy sinh để giải phóng thành phố quê hương...

Chuyện kể của ông Dũng, ông Nghĩa và nhiều CCB khác giúp các bạn trẻ thấu hiểu sâu sắc giá trị của cuộc sống thanh bình hôm nay và tự ý thức về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước. Kỳ tích những trận đánh tại núi Ngũ Hành diệt nhiều giặc Mỹ cùng bao chiến công lẫy lừng được các CCB kể lại, làm truyền thống anh hùng của quân dân Ngũ Hành Sơn (trước đây là Khu 3 Hòa Vang) in sâu trong tâm thức thế hệ trẻ.

“Các hoạt động về nguồn do các bác CCB tổ chức đã giúp lớp trẻ chúng tôi hiểu sâu sắc về truyền thống quê hương anh hùng, qua đó càng thêm tự hào và nỗ lực phấn đấu hơn nữa để xứng với truyền thống ấy”, anh Nguyễn Văn Minh, Bí thư Quận Đoàn Ngũ Hành Sơn thổ lộ.

Bên cạnh đó, các cấp Hội CCB trên địa bàn quận còn luôn chú trọng giáo dục thanh niên xung kích, sáng tạo trong lao động, công tác, lập thân lập nghiệp, lồng ghép tuyên truyền vận động thanh niên thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và giữ gìn cuộc sống bình yên. Nhiều mô hình, hoạt động của CCB có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ như xây dựng công viên trước Nghĩa trang liệt sĩ phường Hòa Quý, Chi hội khuyến học CCB phường Hòa Hải, Câu lạc bộ Cựu sĩ quan phòng chống tội phạm ở phường Mỹ An…

Cùng với đó, nhiều địa phương trên địa bàn quận đã vận động thành lập 59 câu lạc bộ cựu quân nhân, động viên các thành viên phát huy truyền thống tốt đẹp của người lính Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường. Đơn cử như CCB Trần Văn Xuất (phường Hòa Hải) đã xây dựng công trình mô phỏng cột mốc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa ngay trong khuôn viên của mình nhằm giáo dục con cháu về ý thức bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Quá khứ được tiếp nối với hiện tại trong những câu chuyện kể, trong những việc làm cụ thể thiết thực mà mỗi người CCB thực hiện trong cuộc sống đời thường làm nên sức mạnh để thế hệ trẻ bước tiếp trong công cuộc dựng xây đất nước.

Bài và ảnh: MINH NGỌC

;
.
.
.
.
.