.

Quy trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm

.

“Thực phẩm bẩn: ai chịu trách nhiệm?” là vấn đề chính được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị  làm rõ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn vệ sinh thực phẩm, diễn ra vào sáng 27-4. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: THU HOA
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: THU HOA

“Không ai chịu trách nhiệm là không được”

Yêu cầu các tỉnh, thành phố không nêu thành tích mà nói thẳng vào những điều chưa làm được, những vướng mắc và kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc để vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong năm 2016 có chuyển biến thực sự, ít nhất là ở mặt hàng tươi sống rau, thịt, cá và nước uống.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ lâu nay, các ngành và nhiều người vẫn còn nghĩ “mâm cơm do 3 bộ quản lý”, kiểu như ruộng, chuồng thì Nông nghiệp lo, chợ thì Công thương quản và bàn ăn thì Y tế chịu trách nhiệm. Chính sự nhìn nhận như vậy đã dẫn đến chồng chéo và không quy rõ trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tổ chức trước thực phẩm bẩn. Việc quản lý thực phẩm theo chuỗi cũng không thông suốt.

Tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị các lò mổ bẩn phải do Bí thư, Chủ tịch các xã, phường đứng ra chịu trách nhiệm. “Lò mổ làm ầm ầm mà bảo chính quyền địa phương không biết, lực lượng chức năng không biết là không chấp nhận được. Không xác định được trách nhiệm nên cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn rất vui”, ông Đinh La Thăng nói. Ông Thăng còn đề nghị nếu có quá nửa số quận, huyện/tỉnh, thành không bảo đảm ATTP thì Bí thư và Chủ tịch tỉnh, thành phố đó phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ; đồng thời lực lượng làm công tác thanh, kiểm tra ATTP phải thường xuyên được luân phiên để tránh tình trạng bao che, thiếu khách quan trong xử lý.

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận các lò mổ bẩn, cơ sở chăn nuôi sử dụng chất cấm nằm trên xã, phường nào thì Chủ tịch UBND xã, phường đó phải chịu trách nhiệm. “Bảo là chính quyền vì nhân dân nhưng nỗi lo lớn của nhân dân lại không ai đứng ra chịu là không được”, Thủ tướng nói. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng khung xử phạt hành chính cao nhất đối với các hành vi vi phạm ATTP, cần thiết có thể xử lý hình sự. Nông dân sản xuất đồ giả, đồ kém chất lượng, dùng chất cấm cũng bị phạt mức cao nhất như các đối tượng khác trong xã hội.

Được biết, sau thời gian bị giải thể từ giữa năm 2015, đến nay, Đà Nẵng quyết định tái lập Ban chỉ đạo ATTP do Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ làm trưởng ban.

Tiền đâu?

Một vấn đề lớn khác trong quản lý và xử lý các vụ việc ATTP là kinh phí còn thấp. Cụ thể, kinh phí Trung ương cấp cho quản lý chất lượng ATTP trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 5 năm (2011-2015) là 7,794 tỷ đồng, tính bình quân đầu người chỉ đạt 1.558,8 đồng/người/năm. Muốn kiểm soát thực phẩm phải có phương tiện, nhân lực, mẫu, xét nghiệm mẫu, tiêu hủy…, nên với chỉ hơn 1.000 đồng/người/năm thì đòi hỏi kiểm soát chặt và rộng rãi là rất khó. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, số tiền dành cho ATTP tính theo đầu người của Việt Nam còn quá chênh lệch so với các nước khác. Cụ thể ở Bắc Kinh, con số này là trung bình 100.000 đồng/người/năm; Thái Lan là 20.000 đồng/người/năm.

Trước chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các địa phương đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn để giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm kinh phí để địa phương trang bị máy móc nhằm phục vụ nhu cầu cần là có kiểm soát.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý sẽ cho các địa phương được để lại 100% tiền xử phạt các vụ việc vi phạm ATTP để dùng vào mục đích tăng cường kiểm soát, thay vì nộp lại cho ngân sách như trước đây; đồng thời cho ứng 9% dự toán ngân sách năm 2016 cho các hoạt động ATTP.

Xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm

Thủ tướng Chính phủ vừa ra chỉ thị yêu cầu tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 một số vấn đề sau: Các Bộ Y tế, NN&PTNT, Công thương xử lý dứt điểm việc sử dụng sabutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Bộ Y tế siết chặt quản lý sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm vệ sinh ATTP trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp. Bộ Công thương ngăn chặn nhập lậu rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc

Các địa phương đầu tư thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại các trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn để giúp người dân nhận biết thực phẩm sạch, thực phẩm không an toàn; phát huy năng lực của các trung tâm đo kiểm trên địa bàn, tạo điều kiện thúc đẩy hệ thống phân phối thực phẩm sạch phát triển.

UBND các cấp nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các bộ và tập trung xử lý các nhóm vấn đề nêu trên.

Chưa kiểm tra được một số chỉ tiêu thực phẩm

Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng về thực trạng công tác quản lý Nhà nước về ATTP giai đoạn 2011-2015, hiện nay, tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến không rõ nguồn gốc, ngoài danh mục cho phép còn phổ biến. Hằng năm, toàn thành phố tiêu thụ khoảng 70.000-80.000 tấn sản phẩm nông sản thực phẩm và 70.000-80.000 tấn sản phẩm chăn nuôi, song lượng sản phẩm tại chỗ chỉ đáp ứng 10-20% tổng tiêu thụ, còn lại là hàng nhập. Trong khi đó, cơ quan Nhà nước mới chỉ quản lý được thực phẩm nhập khẩu theo đường chính ngạch, còn hàng lậu qua biên giới thì chưa thể kiểm soát.

Các cơ sở chế biến thực phẩm đa phần làm thủ công, hộ gia đình, cá thể, hạn chế về điều kiện ATTP. Thực phẩm chức năng xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nhưng năng lực kiểm nghiệm mặt hàng này còn hạn chế.

Do thiếu trang thiết bị, hóa chất chuẩn và phụ kiện phù hợp nên một số chỉ tiêu thực phẩm chưa kiểm tra được như kim loại nặng Asen, thủy ngân trong thực phẩm, dư lượng kháng sinh, dư lượng hoóc- môn tăng trưởng trong thịt gia súc, gia cầm, hóa chất bảo vệ thực phẩm trong các loại rau quả, độc tố Aflatoxin trong các loại ngũ cốc.

Thu Hoa

;
.
.
.
.
.