.

Thúc đẩy liên kết vùng để phát huy tối đa lợi thế của các địa phương

Liên kết vùng là một phần của tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Đó là khẳng định của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương, Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam và Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 3-4.

Diễn đàn này đã tạo ra không gian đối thoại, trao đổi từ những nội dung khoa học, chủ trương, cơ chế, chính sách và thực tiễn giữa lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển vùng. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thực thi vẫn còn khá nhiều bất cập, hạn chế như các vùng chưa thật sự phát huy tiềm năng, thế mạnh mang tính đặc thù của vùng; trình độ phát triển giữa các vùng còn có sự chênh lệch khá lớn.

Ông Vương Đình Huệ cho rằng, liên kết nội vùng tại Việt Nam hiện nay còn hạn chế, kết cấu hạ tầng vùng và liên vùng chưa thật sự đồng bộ, chưa hình thành được không gian kinh tế vùng, còn bị chia cắt theo địa giới hành chính.

Theo ông, cần phải đẩy mạnh liên kết vùng dựa trên lợi thế mang tính cạnh tranh của từng địa phương để hình thành chuỗi liên kết theo quy hoạch và kế hoạch phát triển cụ thể. Ông Vương Đình Huệ cũng chỉ ra các cơ chế, chính sách cho việc phát triển kinh tế vùng, cũng như các vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, phân bổ công nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Các đại biểu tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình phát triển vùng, trong đó có mô hình phát triển của Đức, Nhật Bản và Israel. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về chủ trương, cơ chế chính sách, thể chế phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng và tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, về mặt quản lý Nhà nước, hầu như chỉ tồn tại mối liên hệ “dọc” từ Trung ương đến địa phương. Đặc điểm này đã hình thành một trạng thái “kỳ dị” của nền kinh tế thị trường (đúng hơn là nền kinh tế đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường) ở Việt Nam hiện nay: nền kinh tế quốc gia được cấu thành từ 63 nền kinh tế giống hệt nhau nhưng độc lập với nhau.

Các nền kinh tế này có quy mô nhỏ bé, dân số trung bình 1-2 triệu người với GDP đầu người bình quân năm 2015 chỉ khoảng 2.100 USD. Mặc dù có những nỗ lực phát triển nhưng theo ông Thiên, những nỗ lực đó là đạt đến tới hạn của thành tích phát triển.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, đa số các tỉnh đều gặp những giới hạn nghiêm ngặt của cơ chế và nguồn lực “đóng cửa” nên hầu như không thể bứt phá. Giới hạn này mang tính nguyên tắc, là đặc điểm cố hữu, tất nhiên của hệ thống cơ chế “kinh tế tỉnh ta”. Muốn thoát khỏi giới hạn chật hẹp, kém hiệu quả của cơ chế kinh tế tỉnh, không thể chỉ dừng lại ở việc chỉnh sửa, cải tiến hay “cơi nới” cơ chế phân quyền, phân cấp kinh tế hiện tại mà phải thay nó bằng một cơ chế khác đó là thể chế vùng kinh tế.

Phương án “quá độ” được đưa ra là thành lập Hội đồng tư vấn phát triển vùng để tăng cường khả năng phối hợp hoạt động các địa phương trong vùng. Theo đó, vùng chưa thể là một đơn vị hay một khu vực hành chính, nhưng cũng không phải là phép cộng đơn thuần của các đơn vị hành chính nhỏ hơn như tỉnh.

Hội đồng này được lập ra với sự tham gia của các lãnh đạo tỉnh, vị chủ tịch hội đồng nên là một người có vị thế độc lập với các địa phương, có mối liên hệ trực tiếp với Trung ương và trong trường hợp các tỉnh không tạo được sự đồng thuận phát triển thì có thẩm quyền kiến nghị các vấn đề phát triển vùng lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để Chính phủ can thiệp…

B.T tổng hợp

;
.
.
.
.
.