Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 nên tận dụng tối đa 2 hình thức hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức và phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để vận động bầu cử.
Đồng thời, dự kiến chương trình hành động nếu trúng cử phải sát thực với những vấn đề cử tri quan tâm, nhưng đặc biệt nghiêm cấm dùng vật chất, tiền bạc mua chuộc cử tri. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha (ảnh) trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng bên lề Hội nghị tập huấn báo chí tuyên truyền về bầu cử diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cử tri luôn quan tâm quyền lợi của mình trong quá trình chọn lựa đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. TRONG ẢNH: Người dân kiểm tra, đối chiếu danh sách cử tri tại Bảng niêm yết danh sách cử tri đặt tại UBND phường Thọ Quang. Ảnh: QUỐC KHẢI |
* Thưa ông, theo tiến trình bầu cử, sau khi được công bố danh sách chính thức vào ngày 27-4, những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có quyền vận động bầu cử. Những người ứng cử đại biểu dân cử phải tuân thủ những nguyên tắc nào khi vận động bầu cử?
- Đến nay, cả Trung ương và địa phương đã hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ ba chốt danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.Danh sách này được công bố chậm nhất là ngày 27-4. Ngay sau khi danh sách chính thức được công bố, những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp có thể tiến hành vận động bầu cử và kết thúc việc này trước 7 giờ ngày 21-5.
Theo quy định tại Điều 63, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, khi vận động bầu cử, các ứng cử viên phải tuân thủ 3 nguyên tắc: Dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; ứng cử viên của đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho ứng cử viên.
Cũng có phóng viên hỏi tôi rằng ứng cử viên vận động bầu cử qua mạng xã hội trên Internet được không, tôi nói pháp luật không cấm hình thức đó nhưng tôi e rằng vận động trên mạng xã hội thì có mấy người đọc, mà người đọc đó có thể lại không đi bầu cử.
* Nếu trong thời gian vận động bầu cử, người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn mình ứng cử có được không?
- Theo quy định của pháp luật về bầu cử, những hành vi sau bị cấm khi vận động bầu cử: Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Như vậy, ứng cử viên nào sau ngày 27-4 làm từ thiện, giúp đỡ vật chất cho người khác ở địa bàn mình ứng cử cho đến ngày 12-5 (thời hạn xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử) có thể bị xem xét về hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử.
Nếu vi phạm nghiêm trọng, ứng cử viên sẽ bị xóa tên khỏi danh sách ứng cử. Hành vi bị cấm này được quy định tại Điều 68 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, luật còn quy định các hành vi bị cấm khác: Lợi dụng bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân mình; lạm dụng chức vụ để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; lợi dụng bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp, pháp luật hoặc làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác. Vi phạm sau khoảng thời gian nói trên, vụ việc sẽ được chuyển cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND khóa mới ở cấp tương ứng tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo ý kiến cá nhân tôi, nếu người ứng cử có điều kiện, hãy để sau khi trúng cử làm từ thiện giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn mình ứng cử như một lời tri ân cử tri đã bầu cho mình. Điều quan trọng hơn cả là thực hiện đúng lời mình đã hứa khi vận động bầu cử.
* Ông có lời khuyên nào đối với những người ứng cử khi vận động bầu cử?
- Tôi khuyên những người ứng cử hãy tận dụng tối đa 2 kênh vận động bầu cử chính thống được pháp luật quy định. Đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức và phương tiện thông tin đại chúng của địa phương để vận động bầu cử.
Phương tiện thông tin đại chúng địa phương ở đây chính là báo Đảng và Đài Phát thanh-Truyền hình của địa phương. Luật pháp cũng cho phép ứng cử viên đại biểu Quốc hội được vận động bầu cử trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia; ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp được vận động bầu cử trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử (nếu có). Dự kiến chương trình hành động của người ứng cử phải sát thực với những vấn đề cử tri đang quan tâm. Khi trúng cử, phải giữ lời hứa, thực hiện bằng được những gì mình đã hứa với cử tri về nhiệm vụ của một đại biểu dân cử.
Các cơ quan báo chí phải bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các ứng cử viên về thời lượng khi tuyên truyền dự kiến chương trình hành động của mỗi ứng cử viên. Điều này có nghĩa là số lượng từ trên báo viết, thời lượng phát sóng phát thanh-truyền hình về dự kiến chương trình hành động của mỗi ứng cử viên đều phải ngang nhau. Quan điểm đưa tin tuyên truyền phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, bình đẳng. Nếu ai trúng cử đều hoàn toàn xứng đáng.
* Thưa ông, Mặt trận có vai trò gì trong hoạt động vận động bầu cử của các ứng cử viên?
- Trong hoạt động vận động bầu cử của các ứng cử viên, Mặt trận có nhiệm vụ là vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho các ứng cử viên vận động bầu cử, vừa làm nhiệm vụ giám sát hoạt động này. Tại hội nghị này, sẽ có mặt ứng cử viên ở Trung ương giới thiệu về, ứng cử viên các cấp ở địa phương từ tỉnh, thành phố đến quận, huyện, phường, xã. Mặt trận phải coi tất cả các ứng cử viên vào cơ quan dân cử đều bình đẳng ngang nhau, không được phép dính líu trong quá trình vận động bầu cử.
* Cảm ơn ông!
SƠN TRUNG thực hiện