Thủ tướng Chính phủ đã công nhận huyện Hòa Vang hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015. Chưa thỏa mãn với kết quả đạt được, huyện Hòa Vang đã và đang tiếp tục nâng cấp chất lượng các tiêu chí bằng việc xây dựng “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”.
Bộ mặt làng quê ở thôn Nam Thành, xã Hòa Phong. |
Hiểu nôm na, “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” là thôn mà tại đó không chỉ kết cấu hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ; mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; môi trường xanh- sạch - đẹp; hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh trật tự xã hội giữ vững; nhà nhà, người người tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, quy định, hương ước của cộng đồng. Nói đúng hơn, thôn kiểu mẫu là thôn vừa giàu có vừa văn minh.
Để “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” trở thành hiện thực, huyện Hòa Vang đã ban hành bộ tiêu chí mới bao gồm 9 điểm, đó là: giao thông; điện; chợ; vườn và nhà ở hộ gia đình; thu nhập; văn hóa, giáo dục, y tế; hệ thống chính trị; an ninh, trật tự xã hội; chấp hành pháp luật Nhà nước, quy định, hương ước cộng đồng.
Nhìn vào bộ tiêu chí này có thể nhận ra 3 vấn đề trọng tâm huyện Hòa Vang đang tập trung đầu tư tại địa bàn thôn, đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng đã có, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện môi trường, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Giai đoạn đầu, 16/119 thôn được chọn xây dựng “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”. Đó là các thôn: Quan Châu, Phong Nam (xã Hòa Châu), Cẩm Nê (xã Hòa Tiến), Trà Kiểm (xã Hòa Phước), Hương Lam, Phú Sơn 1 (xã Hòa Khương), Nam Thành, Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong), Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn), An Ngãi Tây 1, An Ngãi Tây 2 (xã Hòa Sơn), Mỹ Sơn, An Sơn (xã Hòa Ninh), Đông Lâm (xã Hòa Phú), Trường Định (xã Hòa Liên) và Nam Yên (xã Hòa Bắc).
Ngoài kinh phí của thành phố tiếp tục đầu tư và đóng góp của nhân dân, huyện Hòa Vang trích từ nguồn giao thông công chính và kiến thiết thị chính năm 2016, hỗ trợ trực tiếp 150 triệu đồng/thôn.
Ngày nay về các thôn được chọn xây dựng “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” ở huyện Hòa Vang, từ Ban nhân dân thôn đến người dân, ai nấy “ngầm” thi đua với nhau để sớm đạt mục tiêu đề ra.
Phong Nam, xã Hòa Châu là thôn có bề dày lịch sử khoảng 700 năm. Đây là thôn vẫn giữ nguyên nét đặc trưng của làng quê Việt. Cho dù cơ sở hạ tầng và nhà ở dân cư đã đổi thay khá nhiều; song vẫn còn đó cây đa, giếng nước, sân đình cùng những lũy tre xanh và các ngôi nhà cổ. 610 hộ đã và đang huy động mọi nguồn lực để xây dựng Phong Nam trở thành thôn giàu có, văn minh, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Ông Ngô Văn Khả, trưởng thôn cho biết: Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, thôn đã đạt thành quả rất đáng tự hào. Kết cấu hạ tầng đã khá hoàn thiện. Riêng đường liên thôn, kiệt xóm đều bê-tông hóa hết lượt. Đời sống người dân nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân gần 30 triệu đồng/người/năm. Tuy vậy, diện mạo của thôn chưa thật đẹp, chợ tại thôn còn khá tạm bợ. Đời sống, thu nhập tuy có cải thiện, song hộ có mức sống khá giả chưa nhiều, mô hình kinh tế thu nhập cao còn ít...
Nói về giải pháp xây dựng thôn kiểu mẫu, ông Khả cho biết là phải đẩy mạnh sản xuất, nhân rộng các mô hình tiêu biểu là vấn đề trọng tâm nhất của Phong Nam. Trước mắt, phải tập trung đầu tư xây dựng 50ha lúa, 8ha màu trở thành vùng sản xuất chuyên canh.
Các mô hình như nuôi dế, gà Đông Tảo, chim trĩ, kinh tế vườn, sản xuất các loại bánh, cơ sở tiểu thủ công nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng và nâng cấp về quy mô. Các hạng mục như kênh mương thủy lợi, đường nội đồng, chợ… sẽ đề nghị trên tiếp tục đầu tư hoàn thiện. Thôn sẽ vận động nhân dân xây dựng tường rào, cổng ngõ theo kiểu kết nối, liên hoàn tạo cảnh quan hấp dẫn, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người tự giác hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường...
Thôn Nam Thành, xã Hòa Phong bước vào xây dựng “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới” với khí thế và sự đồng thuận rất cao của người dân. Ông Nguyễn Trung, Trưởng thôn cho biết: Phát triển kinh tế được chọn là hướng đột phá trong xây dựng thôn kiểu mẫu, bởi nâng cao thu nhập, đời sống của nông hộ có ý nghĩa quyết định hơn cả.
Trước mắt sẽ đẩy mạnh việc trồng cỏ nuôi bò và cải tạo vườn tạp, nâng đàn bò từ 217 con hiện nay lên 500-600 con trong vài ba năm tới. Keo lá tràm dọc các tuyến giao thông sẽ chặt bỏ, thay vào đó là các loại cây cảnh quan, để không gian thôn thoáng đãng, sạch đẹp.
Sẽ mở rộng nuôi cá nước ngọt thêm 4-5ha ao hồ nữa, để tương lai không xa Nam Thành sẽ là nơi sản lượng cá đưa ra thị trường hàng nghìn tấn/năm. Hạ tầng nông thôn sẽ tiếp tục nâng cấp, trong đó chú trọng xây mới nhà ở dân cư khang trang hơn...
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu