Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, có năng lực, trình độ, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là một trong những kinh nghiệm quan trọng được đúc rút qua hoạt động của Quốc hội khóa XIII.
Đồng bào dân tộc Mông xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ xem danh sách cử tri niêm yết tại Nhà văn hóa. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN) |
Kết quả công tác cho thấy các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng khẳng định rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội.
Để đáp ứng yêu cầu của công việc với đòi hỏi ngày càng nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả, rất nhiều ý kiến, đặc biệt là chính những người "trong cuộc" đề nghị tiếp tục tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên khoảng 40% tổng số đại biểu Quốc hội, để làm nòng cốt trong việc xây dựng luật, hoạt động giám sát và các hoạt động khác của Quốc hội.
"Làm việc không ngày nghỉ, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu"
Liên tục tham gia 4 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa X, XI,XII,XIII), trong đó 3 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội chuyên trách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long thấy rằng số lượng đại biểu chuyên trách như hiện nay (30,8%) là ít so với đòi hòi của công việc, sẽ rất khó để đại biểu quán xuyến, tham mưu đầy đủ, sâu sắc, đa chiều nhiều vấn đề của xã hội.
Đại biểu Trần Đình Long cho rằng: "Nếu chúng ta còn giữ nguyên hệ thống tổ chức của Quốc hội với số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách và đội ngũ cán bộ, công chức như hiện nay thì dù yêu cầu, mong muốn đến cỡ nào, tôi nghĩ cũng khó, không làm sao được."
Với kinh nghiệm và bề dày thời gian công tác gắn bó với hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long tâm sự rất chân thực về những đòi hỏi, áp lực của công việc: “Các đại biểu chuyên trách đã làm việc hết sức mình, thậm chí không có thời gian nghỉ ngơi, không có ngày nghỉ, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, kết quả chưa được như mong muốn. Có những người có trình độ, năng lực, hiểu biết, nhưng cũng không thể cùng lúc tham gia vào quá trình xây dựng 3, 4 bộ luật khác nhau, mà bộ luật nào cũng rất quan trọng, như vậy sẽ không phát huy được vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách.”
Đại biểu Phạm Ngọc Châu (Quảng Trị) thấy rằng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm có thể sẽ không phát biểu được những vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến lĩnh vực và địa phương mình công tác.
Khẳng định chất lượng đại biểu Quốc hội có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần phải tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên khoảng 40% trên tổng số đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với dân đại biểu nhận thấy cử tri mong muốn nhiều hơn số này, riêng "cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị khoảng 60% đại biểu Quốc hội chuyên trách."
Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách lên khoảng 40% tổng số đại biểu Quốc hội để làm nòng cốt trong việc xây dựng luật, hoạt động giám sát và các hoạt động khác là rất tốt vì đại biểu Quốc hội chuyên trách hoạt động chuyên ngành nhiều hơn, trong khi đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm còn gắn với công việc cơ quan, liên quan đến thi đua khen thưởng của ngành nên không thể chuyên tâm dành cho Quốc hội được.
"Tôi cho rằng tăng số đại biểu chuyên trách sẽ tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội bởi họ chuyên tâm làm công tác cho Quốc hội, tập trung hơn, không phân tán," đại biểu bày tỏ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh việc đảm bảo chất lượng đại biểu Quốc hội phải được đặt lên hàng đầu trên cơ sở đảm bảo cơ cấu được phân bổ. Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào ngày 22/5 tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách trung ương là 114 đại biểu, tăng 15 người (hiện là 99 đại biểu chuyên trách trung ương).
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha, đây cũng là lộ trình để tăng dần tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách trong các nhiệm kỳ tiếp theo - có thể tăng dần đến 50% để trong số 500 đại biểu sẽ có 250 đại biểu Quốc hội chuyên trách, qua đó nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, nhằm xây dựng bộ máy Quốc hội mạnh, đủ tầm trí tuệ bàn việc nước, việc dân, đủ nhanh nhạy quyết đáp những việc hệ trọng của quốc gia.
Chuyên trách phải song hành với chuyên nghiệp
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lập luận Quốc hội phải hướng đến chuyên nghiệp, khắc phục tình trạng vẫn còn đại biểu chưa thực hiện tốt vai trò của mình, chưa nói lên tiếng nói của nhân dân. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, Quốc hội khóa mới nên nghiên cứu, chọn đại biểu Quốc hội chuyên trách xứng tâm, xứng tầm và trọng trách được giao, có như thế Quốc hội khóa XIV mới thực sự đổi mới mạnh mẽ và xứng đáng với niềm tin mà cử tri gửi gắm.
Đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) cũng khẳng định tăng đại biểu Quốc hội chuyên trách phải song hành với tăng tính chuyên nghiệp.
Đại biểu cho rằng "chuyên trách mà không chuyên nghiệp cũng không có nghĩa gì, nhiều chuyên trách nhưng không chuyên nghiệp, thay đổi thường xuyên, không ổn định, đặc biệt là các địa phương, thay phó đoàn chuyên trách liên tục sẽ không hiệu quả."
Cử tri huyện Phú Ninh, Quảng Nam tìm hiểu, lựa chọn các ứng cử viên xứng đáng trong danh sách niêm yết. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN) |
Theo đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), có đại biểu Quốc hội chuyên trách là tốt nhưng tính chuyên nghiệp mới là điều quan trọng.
"Chuyên trách mà không chuyên nghiệp là không hiệu quả. Đây là vấn đề chúng ta phải xem xét, tính toán kỹ, nếu công chức hóa đại biểu chuyên trách thì chỉ tăng bộ máy nặng nề, không tăng hiệu quả," đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn phân tích.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng mong muốn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới, tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách để tăng tính chuyên nghiệp và có kinh nghiệm làm luật. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh rằng việc tổ chức để phát huy hiệu quả số lượng đại biểu chuyên trách là vấn đề rất quan trọng.
Từ thực tế kinh nghiệm hoạt động chuyên trách của mình, đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị nên tổ chức lại đại biểu chuyên trách ở Trung ương về sinh hoạt với Đoàn đại biểu để tăng số lượng đại biểu ở các địa phương. Thực tế có địa phương chỉ có một đại biểu Quốc hội chuyên trách, muốn tổ chức các đoàn giám sát, muốn đi tiếp xúc cử tri, tiếp dân, chỉ có một người thì không thể gánh vác, đảm đương được.
Nếu đại biểu chuyên trách ở Trung ương tăng cường về Đoàn đại biểu Quốc hội, thêm số lượng, sẽ tổ chức được nhiều đoàn đi giám sát, nhiều cuộc giám sát trong một năm thì hiệu quả sẽ tốt hơn, tiếp cận với thực tiễn, đồng thời kiểm tra thực tiễn để từ đó có thể xây dựng chính sách, đại biểu Chu Sơn Hà nhìn nhận.
Khẳng định yêu cầu chung đối với Quốc hội khóa tới phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát hoạt động bộ máy nhà nước, từ đó tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao tính thực tiễn, khoa học, dân chủ, tính chuyên nghiệp và trình độ chuyên môn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đặc biệt lưu ý tới đổi mới cơ cấu, chất lượng đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Ông nhớ mãi và không khỏi tâm tư về một lần tiếp xúc cử tri ở Hà Tĩnh, khi cử tri hỏi, "không biết các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách làm gì ở Quốc hội mà để nhiều đạo luật khi ban hành vẫn còn nhiều điều, khoản thiếu chuẩn mực về câu cú, từ ngữ, chưa nói đến nội dung ý tứ"...
Theo Vietnam+