Chính trị - Xã hội

Chung tay chống thực phẩm bẩn

07:49, 06/05/2016 (GMT+7)

Tại buổi đối thoại trực tuyến về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) do Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng tổ chức vào sáng 5-5, với sự tham gia của Sở Y tế, Sở NN&PTNT và Sở Công thương, hàng chục câu hỏi của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã được giải đáp.

Ngăn chặn, chống thực phẩm bẩn cần sự chung tay, vào cuộc của cả chính quyền lẫn người dân. Trong ảnh: Một lò giết mổ gia súc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện Hòa Vang.
Ngăn chặn, chống thực phẩm bẩn cần sự chung tay, vào cuộc của cả chính quyền lẫn người dân. Trong ảnh: Một lò giết mổ gia súc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện Hòa Vang.

Chưa bao giờ vấn đề ATVSTP lại thu hút sự quan tâm của dư luận như hiện nay. Lãnh đạo các sở, ngành dù đã làm mọi biện pháp có thể nhưng vẫn chưa thể giải quyết tận gốc vấn đề nếu không có sự vào cuộc, chung tay của tiểu thương và người tiêu dùng.

Khó quản lý thức ăn đường phố

Nhiều người dân đã bày tỏ băn khoăn về việc quy trách nhiệm, xử lý của các cơ quan chức năng nếu xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm (NĐTP). Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, khi xảy ra NĐTP dù bất cứ nguyên nhân nào thì cơ quan y tế phải chịu trách nhiệm trước; đồng thời tổ chức điều tra, xử lý tìm nguyên nhân gây ngộ độc; sau đó phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan có hướng xử lý tiếp theo.

Cơ sở nào để xảy ra NĐTP thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Được biết, chỉ tính trong năm 2014, trên địa bàn thành phố có 4 vụ NĐTP với 24 người mắc; năm 2015 có 1 vụ NĐTP với 9 người mắc. Không có vụ NĐTP hàng loạt nào xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là do thức ăn bị nhiễm vi khuẩn.

Anh Nguyễn Thành Lợi (trú quận Hải Châu) cho rằng, công tác quản lý ATVSTP đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn nhiều khó khăn và đâu là giải pháp bảo đảm ATVSTP cho người tiêu dùng? Làm rõ vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng cho biết, việc quản lý thức ăn đường phố hiện nay được phân cấp cho UBND phường, xã quản lý, trạm y tế là đơn vị thường trực tham mưu trong việc thực hiện quản lý và kiểm tra định kỳ hằng năm các cơ sở này.

Tuy nhiên, việc quản lý thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chưa thực sự bảo đảm ATVSTP theo quy định, nguồn gốc các loại thực phẩm không rõ ràng. Vì vậy, việc quản lý thức ăn đường phố cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, xử lý vi phạm phải kiên quyết hơn, có như vậy mới có thể bảo đảm ATTP trong việc kinh doanh thức ăn đường phố, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Lo chất cấm trong thực phẩm

Thời gian qua, tại Đà Nẵng đã xảy ra tình trạng sử dụng chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm. Về việc liên quan đến thịt heo tiêm thuốc an thần, một thực trạng từng xảy tại nhiều địa phương trên cả nước, Chi cục Chăn nuôi thú y thành phố khẳng định, hiện chưa phát hiện tình trạng này trên địa bàn Đà Nẵng.

Chi cục Chăn nuôi thú y thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cũng như các cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, đơn vị còn có 2 trạm kiểm dịch đầu mối giao thông kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm động vật nhập vào thành phố 24/24 giờ.

Đối với tình trạng măng và dưa cải muối nhuộm chất vàng ô được dư luận quan tâm trong thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản cho biết đã tiến hành lấy mẫu măng tươi và dưa cải gửi đi phân tích. Kết quả có 7/7 mẫu măng tươi và dưa cải có chất vàng ô. Sau khi có kết quả, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản đã yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết không mua bán, sử dụng chất vàng ô để sơ chế, chế biến măng, dưa cải, đồng thời thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm ngăn chặn việc sử dụng chất vàng ô trong chế biến thực phẩm.

Anh Trần Văn Khánh (quận Cẩm Lệ) băn khoăn về việc ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Theo Chi cục Chăn nuôi thú y thành phố, đơn vị đã tổ chức ký cam kết không sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh đối với 103 cơ sở chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên và 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ký cam kết không sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại ngoài danh mục cho phép.

Đến nay, Chi cục Chăn nuôi thú y đã lấy 36 mẫu thức ăn chăn nuôi và nước tiểu tại các trại chăn nuôi heo để kiểm tra chất cấm Clenbuterol, Salbutamol. Kết quả 24 mẫu âm tính, 12 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm. Đã thử nhanh 50 mẫu nước tiểu để kiểm tra chỉ tiêu Salbutamol tại 5 cơ sở giết mổ heo bằng bộ testkit do Cục Thú y hỗ trợ. Kết quả chưa phát hiện dương tính với Salbutamol.

Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công thương, thành phố Đà Nẵng hiện có 69 chợ truyền thống. Để người dân an tâm mua sắm, tiêu dùng tại các chợ, Sở đã thực hiện nhiều hình thức nhằm quản lý, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, tiểu thương.

Đối với các tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ, lồng ghép với các chương trình xây dựng văn minh thương mại, bảo vệ môi trường, Sở cũng tuyên truyền các quy định, tập huấn kiến thức về ATTP cho các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm tại các chợ. Bên cạnh đó, Ban quản lý các chợ cũng không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua loa phóng thanh tại chợ; vận động bà con tiểu thương kinh doanh các mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm ATTP, không kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có màu sắc, mùi vị bất thường…

3 đơn vị quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm

Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, hiện công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm được phân công cho 3 bộ quản lý với 37 nhóm sản phẩm. Cụ thể, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương. Các ngành tại địa phương có trách nhiệm quản lý theo phân cấp của 3 bộ.

Theo đó, ngành Y tế chịu trách nhiệm quản lý đối với 10 nhóm sản phẩm gồm: nước uống đóng chai; nước khoáng thiên nhiên; thực phẩm chức năng; các vi chất bổ sung vào thực phẩm; phụ gia thực phẩm; hương liệu thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, nước đá dùng liền và dùng để chế biến thực phẩm và các sản phẩm khác không được quy định tại Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương.

Ngành Nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý đối với 19 nhóm sản phẩm, bao gồm: ngũ cốc (trừ sản phẩm dạng bột, tinh bột); thịt và sản phẩm từ thịt; thủy sản và sản phẩm thủy sản; rau củ quả và sản phẩm rau củ quả; trứng và sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; mật ong và các sản phẩm mật ong; thực phẩm biến đổi gen; muối; gia vị; đường; chè; cà-phê; cacao; tiêu; điều; nông sản thực phẩm khác (hạt bí, hạt dưa, tổ yến...); dụng cụ bao gói trong quá trình sản xuất kinh doanh; nước đá dùng để bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp.

Ngành Công thương chịu trách nhiệm quản lý đối với 8 nhóm sản phẩm, bao gồm: bia; rượu, cồn và đồ uống có cồn; nước giải khát (bao gồm cả nước ép rau quả..); sữa chế biến (sữa lên men, kem sữa, sữa đậu nành, các sản phẩm khác từ sữa như bơ, phomat...); dầu thực vật; bột, tinh bột; bánh, mứt, kẹo; dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

.