Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và mở cửa, đòi hỏi phải có một bộ máy Nhà nước chuyên nghiệp, mà ở đó bao gồm những công chức vững về chuyên môn, năng động và có phẩm chất đạo đức tốt…
Nói rộng ra, đó phải là những công chức chuyên nghiệp, hiện đại trong công việc, trong cách tư duy mà vẫn thể hiện được bản chất nhân văn, truyền thống văn hóa của con người Việt Nam. Tất nhiên, để có được những con người toàn diện như vậy, không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là một quá trình tu dưỡng, rèn luyện lâu dài.
Ở thời điểm hiện nay, người công chức của chúng ta có thể chưa đạt “chuẩn” của một công chức chuyên nghiệp như ở các nước phát triển - tạm gác qua một bên chuyện thu nhập khiêm tốn của công chức Việt Nam - nhưng dù sao, bộ máy Nhà nước của chúng ta vẫn cần có những con người đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu của người công chức Việt Nam thời kỳ hội nhập.
Về mặt lý thuyết, công chức chuyên nghiệp phải được đào tạo qua trường lớp, chẳng hạn như tại Học viện Hành chính quốc gia. Họ là những người chuyên nghiệp trong quản lý, trong lãnh đạo cũng như trong công việc hằng ngày.
Tuy chưa được như vậy, nhưng việc tiếp cận khái niệm công chức qua các khóa học về quản lý Nhà nước, lý luận chính trị và ít nhiều trong môi trường đại học, trung cấp chuyên nghiệp... cũng đã truyền thụ cho nhiều người những cái mà một công chức cần có khi làm việc trong bộ máy Nhà nước. Thế nhưng, có những điều tưởng chừng như sơ đẳng mà người công chức phải có, hiện nay vẫn không dễ bắt gặp ở các cơ quan Nhà nước.
Trước hết là tính tự giác, nghiêm minh, tuân thủ nội quy cơ quan… vẫn còn nhiều điều phải nói đến. Khá phổ biến là tình trạng đi muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính… Đó là chưa kể thái độ cách ứng xử với nhân dân, với cấp dưới, với đồng nghiệp chưa đúng mức, gây phản cảm, từ đó tạo ra những sự nhìn nhận mang tính tiêu cực của nhiều người khi tiếp xúc với công chức tại các cơ quan, công sở.
Xin đơn cử vài trường hợp. Đơn giản như chuyện đi làm, đến dự họp, hội nghị, hội thảo không đúng giờ, đến trước nhưng thích ngồi ở hàng dưới trong hội trường, nhất là hay để chuông điện thoại reo trong lúc hội họp. Rồi tình trạng công chức nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, hứa suông, né tránh trách nhiệm, phê bình hay tự phê đều yếu.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mặc dù hầu hết các cơ quan, đơn vị đều đã trang bị máy vi tính, đa phần là nối mạng nhưng nhiều người dù có bằng này, chứng chỉ nọ mà vẫn còn lóng ngóng trong thao tác, đôi khi chỉ giỏi chơi trò chơi điện tử hơn là soạn thảo văn bản, truy cập thông tin trên mạng phục vụ công việc. Văn bản soạn vẫn còn nhiều sai sót, những sai sót mang tính sơ đẳng về chính tả, cách hành văn, thể thức văn bản…
Đáng phê phán nhất là thói cửa quyền, nhũng nhiễu của một số đối tượng công chức. Làm việc với đối tác cả trong và ngoài nước đến tìm cơ hội hợp tác, đầu tư mà tác phong luộm thuộm, thiếu tính chuyên nghiệp, không thể hiện được phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, dẫn đến nhiều đối tác hăm hở bao nhiêu khi đến tìm hiểu đầu tư lại thất vọng bấy nhiêu khi ra đi do thái độ đón tiếp, thủ tục nhiêu khê, thậm chí là vòi vĩnh…
Những chuyện mà nhiều người cho là vặt vãnh khác có thể kể ra ở đây cũng không thể xem nhẹ; chẳng hạn cách đón khách, bắt tay, chào hỏi, lên xuống xe, xưng hô cũng còn nhiều điều để nói trong giới công chức. Thấp thoáng đâu đó còn hình bóng của người công chức thời bao cấp, của tâm lý tiểu nông, tác phong nông nghiệp…
Đất nước đổi mới đi lên, từng bước hội nhập với quốc tế, công chức Việt Nam đã trưởng thành để bắt kịp xu thế của thời đại. Mặt tích cực là cơ bản và không thể phủ nhận, nhưng mặt tiêu cực, chẳng hạn như những hành vi, lối sống, lề lối làm việc của một bộ phận công chức có lúc, có nơi còn chậm được đổi mới.
Những tồn tại, bất cập đó lại ít được cấp có thẩm quyền xử lý, uốn nắn kịp thời, để kéo dài triền miên. Chúng ta đã nghe nói nhiều đến cụm từ “chuyên nghiệp” trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội nhưng một đối tượng quan trọng cần được gắn với cụm từ này là công chức, lại chưa thật sự chuyên nghiệp một cách toàn diện.
Thiết nghĩ, đối với công chức của giai đoạn hiện nay, chuyên nghiệp không chỉ trong kỹ năng, nghiệp vụ mà phải chuyên nghiệp từ trong ý thức về nghề nghiệp. Nên chăng đưa nội dung “chuyên nghiệp hóa” công chức vào nội dung đang mang tính thời sự hiện nay là cải cách hành chính, để qua đó, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước chúng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Dân Hùng